MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những “bí mật” trong ngôn ngữ kiến trúc của Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Văn Thành Chương

Khám phá kiến trúc độc đáo Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 10/05/2022 08:53

Điện BiênĐền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được khởi công xây dựng vào tháng 3.2021 và chuẩn bị khánh thành. Tuy nhiên, những “bí mật” trong ngôn ngữ kiến trúc của công trình vô cùng độc đáo này thì chưa có nhiều người biết.

Công trình tâm linh có kiến trúc độc đáo

Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được khởi công vào ngày 13.3.2021 – đúng ngày Kỷ niệm 67 năm Ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là một trong những công trình có thiết kế độc đáo của Kiến trúc sư Phạm Trung Hiếu - Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Trong những ngày đầu tháng 5.2022, khi công trình đang được gấp rút hoàn thiện các hạng mục cuối để khánh thành nhân dịp Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, kiến trúc sư (KTS) Phạm Trung Hiếu đã chia sẻ nhiều “bí mật” trong ý tưởng thiết kế và ngôn ngữ kiến trúc.

Theo KTS Phạm Trung Hiếu, Chiến trường Điện Biên Phủ có rất nhiều chiến sĩ đã hi sinh, họ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau và cũng có những chiến sĩ không theo 1 tôn giáo cụ thể nào. Do vậy, công trình tâm linh này không thể mượn toàn bộ ngôn ngữ kiến trúc của một tôn giáo.

Phối cảnh công trình Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ.

“Tôi đã sử dụng ngôn ngữ kiến trúc giản dị, cô đọng kết hợp những yếu tố tự nhiên tạo nên dấu ấn về địa điểm, không quá phụ thuộc một ngôn ngữ kiến trúc tôn giáo nào nên không gian ngôi đền đem đến sự cân bằng, cảm giác vừa gần gũi, vừa độc đáo và mới lạ” – Tác giả công trình chia sẻ.

Theo đó, công trình có sự kế thừa của kiến trúc truyền thống được chia thành 3 không gian chính: Không gian dẫn nhập, không gian tưởng niệm và không gian tâm linh (đền thờ chính). Kết nối giữa các không gian chính là các đường dẫn chuyển tiếp có tác dụng dẫn dắt cảm xúc, đưa du khách từ cuộc sống đương đại dần tiếp cận với không gian tâm linh.

Kiến trúc sư Phạm Trung Hiếu chia sẻ với PV tại không gian ngôi đền sắp khánh thành. Ảnh: VT

Không gian tưởng niệm gồm sân tĩnh tâm và hồ tưởng niệm được tạo hình bởi các vòng tròn đồng tâm, tạo sự tập trung, tĩnh tâm trước khi đến với không gian tâm linh. Trong đó, hồ tưởng niệm hình bán nguyệt tượng trưng cho con mắt của người chiến sĩ khi ngã xuống.

“Khi người chiến sĩ ngã xuống, nếu có thể, bao giờ họ cũng sẽ cố gắng lật mình để nhìn bầu trời, vì nhìn thấy bầu trời là cảm nhận được sự sống và cái nhìn ấy như gửi gắm linh hồn vào bất diệt. Khi nhìn vào mặt hồ tưởng niệm in bóng mây trời Mường Thanh, đó chính là khoảnh khắc kết nối giữa hiện tại và lịch sử” – Ông Hiếu nói.  

 Hồ tưởng niệm. 

Tại lòng hồ tưởng niệm được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, vào buổi tối tỏa bóng lung linh trên mặt nước như những ngọn nến. 56 cây đèn như những nén hương tạo thành hình ngôi sao 5 cánh tượng trưng ngôi sao trên lá quốc kỳ và 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngôi sao nằm nghiêng cũng thể hiện nỗi đau mất mát trên con đường giải phóng dân tộc.

Hai bức phù điêu khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên Phủ được tạo nên hình dáng bởi những lỗ đạn với nhiều kích thước to nhỏ khác nhau. Qua đó, tác giả muốn gửi gắm hình ảnh những người lính đã trải qua những làn đạn ác liệt. Người lính ở giữa được đục rỗng đại diện cho những người đã hi sinh, hai người hai bên đại diện cho những người may mắn trở về sau cuộc chiến...

Đường dẫn vào không gian tĩnh tâm. 

Thể hiện lòng biết ơn sâu sắc

Cũng theo tác giả, cây hoa ban trong khuôn viên đền thờ là cây chủ đạo, trong đó 19 cây hoa Ban đỏ tượng trưng cho 19 dân tộc tỉnh Điện Biên, còn 54 cây Ban trắng tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam. Xung quanh sân dẫn nhập là đồi cỏ nhỏ, có độ cao vừa phải gợi cảm xúc về trận chiến Điện Biên Phủ được diễn ra trong một lòng chảo.

Trong đường hầm phía trên mái có 9 cửa lấy sáng tượng trưng cho 9 năm kháng chiến trường kì của dân tộc từ năm 1945 đến năm 1954. Họa tiết ở hai bên bức vách cũng thể hiện bằng hình họa các đoàn quân của Việt Nam tầng tầng lớp lớp ra chiến trường.

Cuối đường hầm như một cánh cửa mở ra một không gian khác đó ngôi đền. Trong tâm trí của bất cứ người lính ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, thì hình ảnh của ngôi đền là hình ảnh gần gũi của quê nhà, đất mẹ. Trong khuôn viên ngôi đền ngoài có 4 cây đại đỏ, 3 cây gạo còn có 2 cây kim giao được gia đình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng.

Không gian tâm linh - Đền thờ chính.

Đền thờ Liệt sĩ được xây dựng đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam. Dự án này được triển khai chủ yếu từ nguồn xã hội hóa đã thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung và Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng.

Công trình Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ dự kiến sẽ được tổ chức khánh thành vào ngày 18.5.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn