MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nơi ở của gia đình Đại sứ Pháp trong khuôn viên Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội mang đậm kiến trúc những năm 1950.

Khám phá ''Ngày hội Di sản Châu Âu 2019’’ tại Việt Nam

Lê Quang Vinh LDO | 13/09/2019 11:24
''Những ngày Di sản’’ được hình thành từ năm 1984 tại Pháp và tới năm 1991, trở thành ''Những ngày Di sản Châu Âu’’. ''Ngày hội Di sản Châu Âu 2019’’ tại Việt Nam được tổ chức ở Hà Nội (ngày 14.9) và TP.Hồ Chí Minh (21.9).

Đây là dịp để khám phá những công trình dân sự, quân sự, tôn giáo, trụ sở các cơ quan mà thông thường không mở cửa cho công chúng tham quan, đồng thời  cũng là dịp để nhắc nhở chúng ta cần bảo vệ, tu tạo, tôn vinh di sản và truyền lại di sản cho các thế hệ sau. 

Tại Hà Nội, ngày hội diễn ra từ 9h30 đến 14h ngày 14.9, với 4 địa điểm: Đại sứ quán Pháp (57 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm): Tham quan và nghe giới thiệu về lịch sử của đại sứ quán, xem triển lãm ảnh của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO); thăm Văn phòng đại diện của EFEO (5A ngõ Hạ Hồi, quận Hoàn Kiếm) - xem triển lãm ''Nhìn lại một thời: Lưu trữ ảnh của EFEO’’; thăm Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (số 5 Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy) và xem triển lãm ''Tài liệu lưu trữ thời kỳ Pháp thuộc’’; thăm Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) - xem triển lãm sắp đặt ''Hàng rong và tiếng rao trên đường phố Hà Nội xưa’’, được thực hiện bởi sự hợp tác của EFEO. 

Trong số các điểm tham quan ở Hà Nội, Đại sứ quán Pháp là nơi ẩn chứa bề dày lịch sử nhất, bởi trước đây là trụ sở của Công ty Rượu Đông Dương (do A.Fontaine thành lập năm 1901), là một trong những công ty giàu mạnh nhất Đông Dương. Khuôn viên gồm khu văn phòng, biệt thự của giám đốc và bể bơi với ''pool house’’ cùng 3 biệt thự nhỏ - được xây ở năm 1912.

Toàn bộ khu đất này đã được Chính phủ Pháp mua lại 2 lần (năm 1949 và năm 1952). Tháng 12.1950, khu vực này trở thành nơi ở và làm việc của Tướng Lattre de Tassigny - Cao ủy và tư lệnh cao cấp của quân đội Pháp ở Đông dương. Tại đây, Tướng de Lattre đã cho xây một bức tường cao ngăn cách với khu nhà ở của nhân viên địa phương và một biệt thự theo phong cách điển hình của những năm 50 dành cho cấp phó của mình và hiện là tòa đại sứ. Năm 1951, trong khuôn viên có thêm một nhà nguyện bằng đá arden dành cho Trung úy Bernard de Lattre de Tassigny - con trai của Tướng de Lattre, tử trận gần Ninh Bình.

Sau Hiệp định Genève, Pháp được quyền sở hữu khu đất này và sau đó trở thành trụ sở của Phái đoàn Chính phủ Pháp tại Hà Nội. Khi Mỹ ném bom miền Bắc, tòa nhà chính đã bị phá hủy vào ngày 11.10.1972, khiến ông Pierre Susini - đại diện Toàn quyền Đông Dương - bị thương nặng và chết trên đường về Paris và 5 người khác (trong đó có 4 nhân viên Việt Nam) bị chết. Người kế nhiệm ông Pierre Susini là ông Claude Chayet, đến ở đây vào cuối năm 1972. Ngày 6.6.1973, sau Hiệp định Paris, phái đoàn của Pháp tại Việt Nam được xếp lên hàng đại sứ quán.

Từ năm 1993 đến năm 1995, đại sứ quán có thêm một tòa nhà mới, xây trên mảnh đất của tòa đại sứ bị phá hủy năm 1972. Thời gian 1995 - 1997, tòa đại sứ lại được sửa chữa tiếp và một trong số những vila xây từ năm 1912 đã được cải tạo thành nơi ở dành cho khách. Dịp đó, tòa khánh tiết có cấu trúc độc đáo bằng kim loại-vải bạt đã được dựng trên nền của sân tennis cũ...

Ngày 26.10.2002, một hiệp định mới về nơi đặt trụ sở sứ quán Pháp đã được các nhà chức trách Pháp và Việt Nam ký, cho phép xác định chính xác đường biên của khuôn viên Đại sứ quán Pháp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn