MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khán giả cảm thấy sợ hãi mẹ chồng – mẹ vợ sau khi xem phim Việt

Hương Mai LDO | 24/08/2018 21:17

Hiện nay, những bộ phim Việt với nội dung xoay quanh các vấn đề về gia đình đang thu hút được đông đảo khán giả. Tuy nhiên, hầu hết các bộ phim đều khai thác hình ảnh người mẹ theo chiều hướng tiêu cực.

 Xem phim sợ "mẹ"

Sau khi bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” kết thúc, khán giả trẻ tỏ ra lo sợ về cuộc sống hôn nhân khi có sự xuất hiện của mẹ chồng. Nhiều bạn nữ còn mạnh dạn tuyên bố sẽ không bao giờ lập gia đình vì sợ cuộc đời sẽ giống nhân vật Vân (Bảo Thanh). “Sống chung với mẹ chồng” khai thác về mối quan hệ không tốt giữa mẹ chồng và nàng dâu và nêu lên những vấn đề tồn tại trong cuộc sống của một người phụ nữ đi lấy chồng.

Tiếp sau đó là một loạt bộ phim với chủ đề gia đình được ra mắt khán giả như “Cả một đời ân oán”, “Ngược chiều nước mắt” và gần đây nhất là bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” đang gây sốt. Có lẽ ai đã theo dõi “Gạo nếp gạo tẻ” chắc hẳn không thể yêu mến được nhân vật bà Mai (NSND Hồng Vân), một bà mẹ sống thực dụng, ham vật chất và phân biệt đối xử với các con. Mặc dù là một nhà giáo về hưu nhưng bà lại có cách hành xử không đúng mực.

Bà Mai (NSND Hồng Vân) trong phim “Gạo nếp gạo tẻ“.

Cùng là các con nhưng bà lại thiên vị với những đứa giàu có, coi thường con khi nghèo khổ, xúc phạm con rể, khinh rẻ thông gia. Có thể nói, chính vì bà mà gia đình con gái dẫn đến sự đổ vỡ. Không khí gia đình trở nên ngột ngạt và đảo lộn cũng từ bà. Thậm chí, đến người chồng của bà cũng phải thốt lên rằng xấu hổ vì có người vợ thực dụng như bà.

Còn trong “Cả một đời ân oán”, bà Lan (NSƯT Mỹ Uyên) lại bị khán giả “sôi máu” vì sự độc đoán, khó tính, xét nét của bà. “Cả một đời ân oán” là bộ phim được chuyển thể từ bộ phim “Cô dâu bạc triệu” của Đài Loan. Bộ phim xoay quanh những ân oán nhiều năm trong một gia đình mà ở đó, bà mẹ chồng là người tạo ra nhiều mâu thuẩn. Bà Lan (NSƯT Mỹ Uyên) với gương mặt sắc sảo, tính cách độc đoán, soi xét con dâu từng li từng tí. Là một người phụ nữ của gia đình nhưng chính tình yêu gia đình quá mức của bà đã khiến gia đình hai người con trai phải ly tán.

Bà Lan (NSƯT Mỹ Uyên) trong "Cả một đời ân oán" khiến khán giả khó chịu bởi sự độc đoán, xét nét con dâu.

 Làm "méo mó" hình ảnh người mẹ là sai

Chỉ cần điểm qua một số bộ phim gần đây cũng có thể thấy được phần nào về hình ảnh người mẹ chồng, mẹ vợ đang “méo mó” đi trên màn ảnh Việt. Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: “Phải nói ngay rằng không phải “phim Việt” mà là phim Việt hóa phạm lỗi này. Trong khi khai thác các kịch bản phim nước ngoài, các nhà làm phim đã chỉ nhăm nhăm chọn những kịch bản ăn khách mà quên mất phải xem xem nó có đúng với bản chất người Việt hay không. Tôi biết không phải không có những bà mẹ chồng Việt có ác ý với con dâu.

Nhưng cực đoan, thậm chí độc ác đến như chúng ta đang thấy trên phim thì… sai! Nhất là ngày nay, đặc biệt ở thành phố, chúng ta biết là đã nổi lên khái niệm “Mẹ dâu”, hoặc “Dâu tây” để chỉ các nàng dâu đang toát thủ trong các gia đình. Và thường thì sau đó họ (các nàng dâu) sẽ dần hồi tâm khi nhận ra họ đang bắt nạt kẻ yếu thế, và nhận lại sự nhẫn nhịn, đại lượng của mẹ chồng chỉ vì các bà quá yêu thương con đẻ và cháu mình”.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng cho hay, hiện thực này phổ biến ở xã hội Việt Nam hơn là cái kiểu mẹ chồng đã hết khả năng toát thủ về tài chính cũng như quyền lực xã hội mà dám bắt nạt con dâu kiểu… dở hơi như thế. Tóm lại, các nhà làm phim cần “Việt hóa” các nội dung phim nước ngoài với lòng tự trọng dân tộc cao, và thấu hiểu nhân tình thế thái ở chính xã hội mình đang sống. Như vậy quá trình Việt hóa phim mới không thành “ngáo ộp hóa” đối với những người trẻ sắp bước vào hôn nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn