MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NSƯT Xuân Bắc (vai Đạt) trong vở diễn. Ảnh: Nhà hát Kịch VN

Khi không dám sống đúng mình, hạnh phúc là ảo ảnh

VIỆT VĂN LDO | 25/09/2017 13:00

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, người con trai cả của ông - Trịnh Mai Nguyên đã có cách tưởng nhớ bố mình thật đặc biệt: Đạo diễn vở kịch “Ảo ảnh hạnh phúc” với dàn diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam.

Tiếng thở dài cho kiếp người

“Ảo ảnh hạnh phúc” được tác giả Lê Chí Trung viết phỏng theo hai truyện ngắn “Những con sóng mặt trời” và “Hai người đàn ông” của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn (ông làm báo, viết văn nhưng nổi tiếng với nhiều bài thơ hay, khắc sâu trong lòng độc giả như “Biển vắng”, “Cọng rơm vàng”, “Chuyện cũ”, “Với những người còn trẻ…).

“Ảo ảnh hạnh phúc” ra mắt cuối tuần qua tại rạp Công Nhân (Hà Nội), là câu chuyện nhuốm màu bi kịch khi các nhân vật chính đều bế tắc, luẩn quẩn, không dám vượt qua những rào cản về định kiến để đến với “một nửa” của đời mình. Anh chàng Mẫn trót lấy vợ vì áp lực gia đình mà không yêu, nên không chỉ anh mà cả Vân - vợ anh cũng vô cùng đau khổ vì lấy một cái xác mà hồn vương vấn bóng hình khác. Mẫn yêu Hường - cô gái xinh đẹp có giọng hát hay trong nhà máy, nhưng lại ép cô lấy Đạt - một anh chàng nát rượu sống bê tha, để che giấu mối tình với cô. Rồi Đạt bị bắt vì nghi án ăn trộm phải vào tù, tưởng đâu Mẫn và Hường có thể đến với nhau dễ dàng hơn khi lần này Mẫn đã quyết bỏ vợ vì lý do vợ vô sinh. Đạt trong tù cũng sẵn sàng ký giấy ly hôn cho Hường đi tìm hạnh phúc khác. Nhưng rồi Hường lại không đang tâm bỏ Đạt trong tù mà bỏ nhà máy tìm cách kiếm tiền cứu Đạt để đợi anh ra mới bỏ…

Nhưng cuộc đời không như là mơ, hạnh phúc khi đã buông tay thì không bao giờ trở lại… Nhất là khi cái ác luôn lẩn quất quanh đây, nhiều khi trong cái mặt nạ vô tư, trong sáng.

Và cái kết vở dù cho Mẫn và Hường có gặp lại nhau sau bao nhiêu năm, dù cho trước biển, Hòn Nẹ với Hường không còn là lặng lẽ như một miếng bìa - tượng trưng cho chính số phận cuộc đời cô, muốn giãy ra nhưng không thoát được…

Hòn Nẹ với Hường lúc này đã như cánh buồm của hy vọng, và dù hình ảnh những con sóng bạc đầu trong ánh bình minh rực lên như hứa hẹn, thì người xem cũng không ngăn được tiếng thở dài về số kiếp của các nhân vật không dám sống đúng mình. Hạnh phúc có lúc với họ tưởng như với tay ra là khẽ chạm vào, nhưng thực ra nó đã ở phía sau. Và cái mà họ tin là hiện hữu cuối cùng chỉ là ảo ảnh.

Cần tiết chế hơn

Trịnh Mai Nguyên vốn là một diễn viên nay đi theo con đường đạo diễn (với sự cố vấn của một NSND cũng phát triển từ diễn viên lên đạo diễn - Anh Tú) đã phải xử lý một đề tài khó với một kịch bản chưa thật chặt chẽ, đã có nhiều nỗ lực để tạo nên những mảng miếng sân khấu thu hút người xem.

Cái thuận cho Mai Nguyên là dàn diễn viên khá đồng đều tay nghề của Nhà hát Kịch Việt Nam, với đài từ tốt, diễn xuất chững chạc, đã tạo nên sự tung hứng nhịp nhàng như Dũng Nam (vai Mẫn), Khuất Quỳnh Hoa (Hường), Hoàng Lan (Vân), NSƯT Việt Thắng (Tiến) và nhất là NSƯT Xuân Bắc đã thể hiện đậm nét tính cách Đạt.

Xuân Bắc là vai diễn tốt nhất trong vở, khóc cười với nhiều cung bậc cảm xúc, từ giận dữ, lồng lộn đến cay đắng, chua chát, đôi lúc tuyệt vọng, làm khán giả lúc đầu ghét nhưng sau có phần thương Đạt, vì xét đến cùng Đạt cũng chỉ là nạn nhân của sự lừa dối.

Nhưng Xuân Bắc đôi chỗ diễn hơi quá đà, thiếu sự tiết chế, có lẽ phần vì anh bị ảnh hưởng bởi lối diễn hài của chương trình Táo quân hàng năm. Dũng Nam vai Mẫn diễn đầy nhiệt huyết, nhưng xem anh có cảm giác bị ảnh hưởng cách nhả chữ, nhấn nhá câu từ của diễn viên - nay là đạo diễn, NSND Anh Tú.

“Ảo ảnh hạnh phúc” có một số cảnh “nóng” và thực sự đạo diễn xử lý chưa hay, còn hơi thô. Ở điểm này, Mai Nguyên nên tham khảo một bậc lão làng - NSND, đạo diễn Lê Hùng trong nhiều vở, gần nhất là “Đường đua trong bóng tối”.

Xem “Ảo ảnh hạnh phúc” vào đúng dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn lại nhớ đến thi sĩ xứ Thanh ở mảnh đất Nga Sơn, con người có những câu thơ đầy ám ảnh “Một cộng với một thành đôi/Anh cộng cô đơn thành biển/Nắng tắt mà người không đến/Anh ngồi rót biển vào chai” (trích bài “Biển vắng”).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn