MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nghệ sĩ múa khi rời sân khấu đã chọn cách mưu sinh từ nghề bán hàng online, chạy grab, làm phụ hồ... Ảnh: Nhà hát Nhạc Vũ Kịch VN

Khi nghệ sĩ phải về hưu ở tuổi ngoài 30

Mi Lan LDO | 31/12/2021 12:02
Múa là bộ môn nghệ thuật được đánh giá khắc nghiệt. Nghệ sĩ múa phải tập luyện khi còn rất nhỏ, từ 5-7 tuổi và họ phải rời sân khấu khi ngoài 30.

Khổ luyện thành nghề

Trao đổi với Lao Động về nghề múa, NSƯT Trần Ly Ly - Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho biết: “Nghề múa thực sự rất vất vả. Như cá nhân tôi phải xa gia đình học múa từ nhỏ. Việc học múa không phải ngày một, ngày hai có thể thành công ngay, mà đó là cả chặng đường dài đầy mồ hôi và nước mắt. Tuổi thơ của các nghệ sĩ múa, nhất là môn ballet phải gắn liền với sàn tập. Ngày tập 7-8 tiếng đồng hồ. Để tỏa sáng trong một vở múa ballet đỉnh cao, nghệ sĩ múa phải đánh đổi rất nhiều năm tháng khổ công rèn luyện”. Khổ luyện nhiều năm ròng, nhưng tuổi thọ của nghề múa lại rất ngắn.

“Nữ ở tuổi 30 đã phải rời sân khấu, nam sẽ dừng sự nghiệp ở tuổi 35. Khi ở độ tuổi này, sức khỏe và xương khớp không còn đảm bảo để chúng tôi tiếp tục tập luyện và thực hiện những động tác khó”. Múa không chỉ có những động tác đơn lẻ, solo cá nhân, còn có nhiều động tác bê đỡ, tương tác, nâng vác bạn diễn, nên thể lực phải dồi dào.

Điều khiến NSƯT Trần Ly Ly băn khoăn nhất là “chế độ lương bổng và chế độ đãi ngộ cho nghệ sĩ múa còn quá thấp”.

Theo NSƯT Trần Ly Ly, ở Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, các nghệ sĩ múa hưởng lương theo bậc như viên chức.

“Lương cứng của mỗi diễn viên múa cũng chỉ hơn 3 triệu đồng một tháng. Nhiều nghệ sĩ không thể trụ được với nghề. Nhiều gia đình giờ đây cũng ngại khi con em họ muốn theo ngành múa” - bà Ly nói.

Theo bà Ly, múa ballet là môn nghệ thuật đặc thù, cần khổ luyện dài ngày và cần nhiều cảm xúc khi vào mỗi vở múa. Nhưng việc lo toan mưu sinh, cơm áo gạo tiền đã chi phối rất nhiều đến suy nghĩ, lựa chọn của diễn viên múa, khiến họ không thể tập trung cho nghề và nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam bị chảy máu tài năng. Nhiều nghệ sĩ múa hiện tại đã chọn những công việc khác để mưu sinh.

“Họ thấy bất ổn khi theo nghề múa. Lương thấp, tuổi nghề ngắn, chế độ đãi ngộ không có. Nhiều nghệ sĩ múa sau 30 tuổi không biết phải làm gì. Số diễn viên múa đi học để trở thành biên đạo múa sau tuổi 30 rất ít. Nhiều diễn viên múa hiện bán hàng online, chạy grab, làm phụ hồ để mưu sinh” - NSƯT Trần Ly Ly nói.

Tuổi nghề ngắn ngủi

Bên cạnh nghề múa, xiếc cũng là loại hình biểu diễn khắc nghiệt, đòi hỏi cường độ tập luyện cao, nguy hiểm, tuổi thọ để phát triển rực rỡ nhất với nghề lại ngắn ngủi.

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp là hai nghệ sĩ xiếc nổi tiếng của Việt Nam, họ vừa lập thêm kỷ lục Guinness với tiết mục chồng đầu và lên 100 bậc cầu thang trong 53 giây. Nổi tiếng tầm vóc thế giới, nhưng nhiều lần hai anh em nghệ sĩ đã chia sẻ nguy hiểm, hà khắc của nghề biểu diễn xiếc.

“Diễn viên xiếc là những người rất phi thường khi thực hiện những động tác nguy hiểm. Họ phải chấp nhận tai nạn, chịu đau khi mới tập luyện. Lần đầu tiên tôi bị tai nạn là đập mặt vào ghế đến mức răng thụt vào. Tôi sợ đến mức một tuần sau chưa dám trở lại” - Quốc Cơ nói.

Chia sẻ về 4 tai nạn đáng nhớ nhất trong quá trình làm nghề, Quốc Cơ kể đã từng gặp sự cố làm em trai té đến mức bất động.

“Tôi cảm thấy mình không muốn tiếp tục với nghề này nữa, vì tôi sợ mất em trai của mình”.

Trước Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, nhiều nghệ sĩ xiếc đã chia sẻ về những sự cố, tai nạn nguy hiểm khi họ tập luyện và biểu diễn xiếc. Chính vì đặc thù của loại hình biểu diễn này, tuổi thọ của nghề rất ngắn. Đặc biệt với những bộ môn xiếc cần đến thể lực, độ dẻo dai, sức bền như đu dây, chồng đầu... quãng thời gian để nghệ sĩ gắn bó và tỏa sáng chỉ từ 30 đến 35 tuổi. Càng cao tuổi, nghệ sĩ càng dễ gặp nguy hiểm khi trình diễn những bộ môn cần thể lực, độ chính xác cao.

Giống như với nghề múa, hiện các nghệ sĩ xiếc cũng hưởng lương theo bậc viên chức, họ cũng không có chế độ ưu đãi đặc biệt cho ngành nghề mình theo đuổi. Những nghệ sĩ phải giải nghệ sớm do tuổi cao, sức yếu rất khó khăn trong việc mưu sinh sau khi rời sân khấu. Họ không được hỗ trợ chế độ hay việc làm sau khi rời sân khấu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn