MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quyết định đi làm 8h hàng ngày và bản chấm công. Nguồn : FB của NSƯT Vũ Quốc Tuấn

Khi thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0: Tương lai vẫn mịt mù (Kỳ cuối)

VIỆT VĂN LDO | 01/09/2017 14:00
Có thể xem việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đối với các nhà quản lý VFS là một việc quá sức, vượt ra ngoài kiến thức về các vấn đề liên quan, bởi đây là mô hình mới chưa từng có kinh nghiệm.

Cái tên VFS không thể chỉ tính từ khi chuyển thành Cty TNHH, để nhìn nó như một Cty làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả, chất lượng thấp, mà phải nhìn cả lịch sử cái tên này suốt hơn 60 năm qua. Là không chỉ phim sản xuất ra mà còn trong đó là máu và nước mắt, là sự hy sinh của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ điện ảnh đã làm nên danh tiếng của phim Việt Nam trong nước và quốc tế.

“Thương hiệu” VFS không thể tính theo giá trị vật chất

Không thể phủ nhận một thời VFS là niềm tự hào không chỉ của những người trong ngành điện ảnh mà còn là của người VN. Trong chiến tranh khốc liệt, VFS đã sản xuất nhiều bộ phim không chỉ có chất lượng nghệ thuật cao, được cả quốc tế công nhận, mà còn mang tinh thần bất khuất của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống xâm lược giành tự do, độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước.

Ngay cả kho phim tư liệu của VFS cũng không thể tính theo thời giá như mớ rau, con cá ngoài chợ. Nó phải được xem như một tài sản vừa có tính “vật thể” vừa có tính “phi vật thể” ở giá trị thời gian và hình ảnh lưu giữ.

Rồi nhân sự của VFS, từ các nhân viên kỹ thuật có trình độ cao, các nghệ sĩ diễn xuất, quay phim, đạo diễn, biên kịch, họa sĩ… có đẳng cấp và được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT… cũng là tài sản có giá trị “phi vật thể” cao, cũng phải được tính vào giá trị “thương hiệu” của VFS.

Tính giá trị của VFS mà chỉ tính “vật thể”, những gì có thể cân - đo - đong - đếm được là một sự khiếm khuyết, là một cách tính “ăn gian” giá trị của hãng. Bởi không thể không tính “thương hiệu” là giá trị “phi vật thể” với những giá trị nhiều khi còn cao hơn cả giá trị “vật thể”.

Tìm lại “thương hiệu” cho VFS!

Trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác cổ phần hóa VFS và quản lý đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hồi cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ VHTTDL rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa để quyết định việc hoàn thành công tác cổ phần hóa VFS theo thẩm quyền, đúng quy định, và chịu trách nhiệm trước pháp luật, yêu cầu cổ đông chiến lược thực hiện đúng cam kết đã ký kết.

Nhưng không rõ hậu rà soát này kết quả ra sao, chỉ biết rằng, khi thông cáo của Cty cổ phần Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam “tuyên” thì xem ra VFS đã có vẻ như hoàn toàn (bị) bán xong.

Dù thực chất việc định giá lần thứ hai, đưa giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp cũng như đánh giá lại giá trị thương hiệu của VFS vẫn chưa được tiến hành… Việc bổ sung này thực ra lại rất quan trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống của anh em nghệ sĩ cũng như kế hoạch tương lai về sản xuất phim…

Trả lời phỏng vấn báo chí cuối tháng 4.2016, ông Nguyễn Danh Thắng - Phó TGĐ Vivaso - nói: “Vì sao chúng tôi chọn đầu tư cho VFS thì có nhiều lý do. Trong đó đầu tiên ngoài tình yêu với điện ảnh thì đó là hy vọng điện ảnh cũng là một kênh truyền thông sẽ quảng bá hình ảnh công ty chúng tôi, đặc biệt khi công ty vận tải thủy đang tiến tới là một công ty đa ngành nghề”.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân cho biết: Trong bản cam kết của Vivaso với Hãng phim, họ có đưa điều khoản cam kết tiếp tục sản xuất mỗi năm một phim điện ảnh và một phim truyền hình. Nhưng làm một phim truyện điện ảnh đâu có đơn giản, lộ trình cho việc sản xuất phim không hề có, số tiền đầu tư cho phim điện ảnh là bao nhiêu, phim truyền hình bao nhiêu tập thì tất cả vẫn là số 0.

Được biết Vivaso phải cam kết với Bộ chủ quản: Không được chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm; Cam kết với đơn vị bằng văn bản trong việc hỗ trợ, thực hiện làm phim; Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách với người lao động; Cam kết 90% doanh thu của đơn vị phải từ hoạt động điện ảnh; Trả các khoản nợ tiền thuê đất mà VFS đang nợ; Đầu tư cơ sở vật chất để làm phim; Tuân thủ phương án sử dụng đất để phục vụ sản xuất, phát triển điện ảnh; Sử dụng toàn bộ nhân viên của Hãng; Sử dụng toàn bộ tiền thu được từ cổ phần hóa để đầu tư sản xuất phim; Cử ba người của nhà nước tham gia vào hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, ban kiểm toán...

Nhưng từ lời cam kết đến hiện thực thì chưa thấy đâu, và hơn thế, việc đầu tư sản xuất phim là rất chung chung, không rõ ràng.

Tương lai thuộc về ông chủ mới, chưa biết liệu họ có vực dậy “thương hiệu” này không, rất khó để đoán định hay hứa hẹn gì. Bởi có tiền cũng không phải là giải pháp để “thương hiệu” tồn tại, định giá trị của mình một khi sản xuất phim điện ảnh không phải là khơi luồng lạch cho tàu thuyền đi trên sông mà còn rất nhiều vấn đề khác chi phối, trong đó có cả tâm - tầm của ông chủ mới với điện ảnh VN nói chung, với hãng phim Cty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện VN nói riêng.

Mỗi một phim mang “nhãn” Hãng phim truyện VN-VFS không chỉ là một tác phẩm điện ảnh, mà còn như đại diện tiếng nói của người dân VN chuyển thông điệp yêu chuộng hòa bình đến thế giới. Trong công cuộc xây dựng kiến thiết đất nước sau chiến tranh, những bộ phim của VFS sản xuất không chỉ là những tác phẩm điện ảnh để giải trí, mà còn mang sứ mạng đại sứ ngoại giao văn hóa, giới thiệu đất nước, con người VN với bè bạn năm châu…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn