MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cáp treo được vận hành tại Chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội.

Khoan núi mở đường ở Chùa Hương khiến người dân bức xúc?

Đ.B LDO | 17/08/2018 12:57
Cảnh khoan núi, phá cây ngay gần động Hương Tích, Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) của đơn vị cáp treo đang khiến người dân nơi đây phản ứng.

Những ngày này, dù không phải vào mùa lễ hội, nhưng Chùa Hương vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều người. Nguyên nhân xuất phát từ việc di tích lịch sử tâm linh này nhiều khả năng đang bị xâm hại bởi đơn vị xây dựng cáp treo.

Theo đó, việc công ty này thi công mở đường kèm theo cả việc chặt cây, phá đá từ núi ngay gần động Hương Tích, chùa Hương khiến người dân bức xúc.

Điều đáng nói, công tác làm đường đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng việc du khách đến thưởng ngoạn Chùa Hương, đồng thời cũng khiến đời sống người dân nơi đây bị đảo lộn.

Phản ánh với PV, một người dân (xin được giấu tên) cho hay, hiện nay, con đường mà du khách thường đi bộ từ chùa Thiên Trù đến chùa Hương bị đất đá chắn ngang. Du khách muốn lên chùa phải tìm một con đường nhỏ men theo các vách đá, rất trắc trở và nguy hiểm.

 Cảnh đất đá được đổ tràn lan trên con đường đi bộ tại Chùa Hương.

Đến chùa Hương trong những ngày này, du khách cũng bất ngờ với cảnh công nhân khoan đá, phá cây, đục đẽo các vách núi, đất đá cũng được đổ ra la liệt khiến vẻ thanh tĩnh của chùa Hương bị mất đi.

Chia sẻ với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2017, xác nhận có sự việc đơn vị cáp treo đang tiến hành xây dựng một số hạng mục tại đây.

Tuy nhiên, theo ông Hậu, không có việc đơn vị này xâm hại đến di tích lịch sử. “Họ chỉ mở rộng con đường. Việc thi công cũng không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, đại diện UBND huyện Mỹ Đức khẳng định.

 Việc đơn vị cáp treo phá đá, chặt cây, mở đường khiến chùa Hương đang mất đi vẻ thanh tịnh trước đây.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức tiết lộ thêm, hiện nay có việc tranh chấp đất đai giữa công ty cáp treo và các hộ dân kinh doanh. Thực tế, phần đất đai này đã được tỉnh Hà Tây cũ cấp cho công ty cáp treo. Sau đó, nhiều hộ dân đã dựng quán kinh doanh tại đây. Đến nay, doanh nghiệp muốn lấy lại đất để xây dựng nhà chờ cáp treo. Tuy nhiên, các hộ dân lại cho rằng đây là đất của họ. Vì thế, những tranh chấp mới xảy ra.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch UBND xã Hương Sơn lại cho rằng, công ty cáp treo đã có cách hành xử thiếu khéo léo khiến người dân phản ứng. Theo ông, họ nên có những bồi thường đối với các hộ dân có hàng quán kinh doanh khi bắt họ phải tháo dỡ để trả lại mặt bằng.

Trong khi đó, trả lời Lao Động về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng Ban quản lý di tích Chùa Hương lại lấy lý do đang đi du lịch và từ chối cung cấp thông tin về sự việc.

Đơn vị cáp treo tại chùa Hương đang thực hiện các hạng mục xây dựng để phục vụ công tác phát triển du lịch nhưng lại có dấu hiệu xâm phạm di tích lịch sử? 

Báo Lao Động sẽ tiếp tục tìm hiểu về vấn đề này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn