MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vỡ trận tại lễ hội Cướp Phết Hiền Quan. Ảnh: HP

Không được bóp méo, xuyên tạc lễ hội

KHÁNH HẠ LDO | 26/04/2018 09:59
Sau mùa lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018, Bộ VHTTDL đã có những đánh giá tổng quát lại về thực trạng tổ chức lễ hội tại nhiều địa phương. Bên cạnh sự đổi mới thì những nỗ lực để giảm bớt, hạn chế một số hiện tượng tiêu cực, gây phản cảm cũng phần nào đã được thực hiện tốt…

Nên có những mùa lễ hội văn minh

Theo nhìn nhận của Bộ VHTTDL, các hoạt động Lễ hội đầu Xuân Mậu Tuất đã diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam từ quy mô cấp tỉnh, huyện đến các lễ hội phạm vi ở làng và xã. Tuy nhiên, nhiều lễ hội vẫn chưa có được sự văn minh đúng với mục tiêu hướng đến.

Một số lễ hội tiếp tục có những hiện tượng chen lấn, xô đẩy, giành lộc và đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn. Nhiều cơ quan buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính như lãnh đạo và công chức Kho bạc Nhà nước thành phố Nam Định, lãnh đạo và công chức Điện lực Bình Lục (Hà Nam); Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch diễn ra thường xuyên ở một số di tích lễ hội ở Đền Sóc, Chùa Hương (TP.Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)... Tại các khu di tích chưa giảm bớt tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích...

Bộ VHTTDL cũng lưu ý một số vấn nạn “ăn theo” lễ hội xảy ra ngày một nhiều hơn trong đó, hiện tượng “cá độ” ở Lễ hội Chọi trâu tổ chức ở Phù Ninh, Đồ Sơn, Tuyên Quang... đang ở mức khó kiểm soát.

Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở băn khoăn trước công tác tuyên truyền chưa thật sự sâu rộng đến với người dân. Bà Hương đặc biệt lưu tâm đến Lễ hội “cướp phết” ở xã Hiền Quan (Phú Thọ) từng gây khá nhiều tranh cãi trước đó, bởi người dân không phân biệt được đâu mới là thứ cần... cướp: “Trong lễ hội cướp Phết thì ném Chúi là để “trừ tai viễn tống”, xua đi mọi rủi ro bệnh tật nhưng người dân lại tranh nhau đi cướp Chúi. Như vậy, rõ ràng là công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu hơn về phong tục tập quán của từng địa phương, cái nào nên hay không nên làm... lại chưa thật sự có hiệu quả”.

Tình trạng hỗn loạn, thiếu văn minh, gây gổ đánh nhau tại các lễ hội là những điểm nóng cần phải giải quyết dứt điểm. Cũng theo bà Hương thì “lễ hội phết Hiền Quan đã cho chúng ta thấy một ví dụ điển hình về sự hỗn loạn, bất lực trước dòng người quá tải tràn vào lễ hội. Nếu không có phương án thay đổi sẽ khó có thể giải quyết triệt để được tình trạng hỗn loạn đó”.

Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, một lễ hội dù có huy động đến 1.000 cảnh sát nhưng nếu có sự cố xảy ra thì cũng phải bó tay đứng nhìn mà thôi...”.

Không bóp méo hay xuyên tạc

Bộ VHTTDL cũng đánh giá cao một số địa phương có các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đang dần có ý thức trong việc chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ sao cho phù hợp hơn như Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) - năm thứ 3 không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn, không tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; Lễ hội Đền Sóc, xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn là năm đầu tiên thay đổi hình thức cướp lộc, không xuất hiện cảnh tranh giành cướp giò hoa tre.

Để các mùa lễ hội sau bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đặc biệt yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cấp phép tổ chức lễ hội mang nội dung kích động bạo lực. Thậm chí, có thể giảm tần suất tổ chức lễ hội hay hạn chế phục dựng những lễ hội có tập tục không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không phù hợp với đời sống xã hội hiện nay.

“Có muôn hình vạn trạng lễ hội, vì vậy chúng ta cần cân nhắc cách thức tổ chức ra sao cũng như phải tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống, không được bóp méo, xuyên tạc, đưa những thứ phản cảm vào. Như vậy là có tội với tổ tiên, có tội với thế hệ mai sau...” - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí cùng vào cuộc nhằm tuyên truyền đến người dân, thay đổi nhận thức để có thể chuyển đổi các hình thức lễ hội không còn phù hợp trong xã hội hiện đại: “Điển hình như ở lễ hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) rất nên có sự chuyển đổi từ cướp phết sang hình thức truyền thống là đánh phết hay như lễ hội “đập đầu trâu” đã 5 năm không thực hiện. Chúng ta hãy xác định rõ là sẽ không bao giờ thực hiện nữa chứ không phải chỉ là “lui binh” tạm thời...”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn