MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không thể xử lý dứt điểm tình trạng muối hóa gạch tháp Chăm Khương Mỹ

Hoàng Bin LDO | 26/11/2023 09:14

Quảng Nam - Công trình trùng tu tháp Chăm Khương Mỹ trị giá 12,6 tỉ đồng bị muối hóa phủ đầy bề mặt gạch mới chỉ sau 5 tháng nghiệm thu. Theo kết luận mới nhất của đơn vị thi công, nguyên nhân xuất hiện tình trạng trên do muối trên gạch cũ lan ra.

Muối hóa là hiện tượng phổ biến trên tháp Chăm

Công trình tu bổ, phục hồi tháp Bắc, tháp Giữa thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ (Núi Thành, Quảng Nam) được nghiệm thu tháng 12.2022, nhưng đến tháng 5.2023 đã xuất hiện chi chít những vệt đốm trắng như muối loang lổ, rêu mốc phủ đầy trên bề mặt gạch mới.

Cụm Tháp Chăm Khương Mỹ (Núi Thành, Quảng Nam). Ảnh: Hoàng Bin

Sau khi dùng phương pháp thủ công xử lý chà xát bề mặt gạch bị “muối hóa”, đơn vị thi công là Viện Khoa học công nghệ xây dựng đã lấy mẫu gạch phân tích, đến tháng 11.2023, đơn vị này gửi báo cáo cho chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam.

Theo đơn vị thi công, nguyên nhân “muối hóa” xuất hiện do chất liệu gạch phục chế bị loại trừ vì đất sản xuất gạch phục chế có hàm lượng muối hòa tan rất thấp, không chứa tác nhân gây muối và mủn gạch.

Ngược lại, trên bề mặt gạch tháp Khương Mỹ tồn tại lượng muối hòa tan rất lớn, tích tụ sau hàng nghìn năm xây dựng. Theo nước mưa và dẫn ẩm, lượng muối này tràn vào bề mặt khối xây mới. Vùng chịu tác động mạnh nhất của ăn mòn do muối hòa tan là vùng tiếp giáp giữa hai khối xây cũ và mới, vì khu vực này thường xuyên duy trì độ ẩm lớn, báo cáo nêu rõ.

Cụm tháp Chăm Khương Mỹ xuất hiện tình trạng muối hóa chi chít trên bề mặt gạch mới sau 5 tháng trùng tu. Ảnh: Hoàng Bin

“Từ những thông tin ghi nhận tình trạng của tháp Khương Mỹ trước khi tu bổ về hiện tượng mủn gạch, nổi muối trắng, rêu xanh và sự xuất hiện trở lại của chúng ở các khối xây mới, có thể nhận định đây là hiện tượng có tính phổ cập và tồn tại ở mọi khối xây tháp Chăm pa dọc khu vực ven biển và trong khu vực ăn mòn khí quyển biển”, theo Viện Khoa học công nghệ xây dựng.

Không thể xử lý triệt để

Viện Khoa học công nghệ xây dựng cho hay, trước mắt cần thực hiện các giải pháp đồng thời gồm vệ sinh định kỳ bề mặt khối xây phục chế nhằm loại bỏ lượng muối bám trên bề mặt, giảm bớt nguy cơ muối tích tụ ăn sâu vào khối xây. Thay thế cục bộ một số viên gạch bị mủn ở vùng tiếp giáp giữa khối xây cũ bằng gạch nung già nhiệt độ cao (1.000 - 1.050 độ C).

Cụm tháp Chăm Khương Mỹ nằm trên mạch nước ngầm và cách biển 7km theo đường chim bay. Ảnh: Hoàng Bin

Đơn vị này thừa nhận, việc xuất hiện muối và mủn gạch là hiện tượng khách quan, đặc biệt dường như không thể khắc phục được nếu vẫn sử dụng giải pháp gia cường khối xây bằng gạch phục chế.

Trao đổi với Báo Lao Động, một cán bộ nghiên cứu văn hóa Chăm tại Quảng Nam cho rằng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng tu bổ xong mới tiến hành nghiên cứu vật liệu (tìm hiểu nguyên nhân xuất hiện hiện tượng muối và gây mủn gạch) là ngược quy trình.

Vị này cho hay, với vai trò là đơn vị thi công trùng tu, nếu phát hiện hiện tượng muối hóa trong công trình, phải đề xuất khử muối rồi mới trùng tu, chứ không thể trùng tu xong mới nêu nguyên nhân khắc phục.

Ngoài ra, đơn vị thi công cũng đồng thời là cơ quan phân tích các thông số gạch trùng tu khi xảy ra “muối hóa” liệu có khách quan?

Đơn vị thi công xử lý tạm thời tình trạng tháp Chăm bị muối hóa bằng phương pháp thủ công, chà xát, cọ rửa bề mặt gạch. Ảnh: Hoàng Bin

Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam - cho biết: “Vì còn trong thời hạn bảo hành 2 năm nên trước mắt, chúng tôi sẽ yêu cầu Viện Khoa học công nghệ xây dựng vào khắc phục, thay thế những viên gạch mủn nát tại nhóm tháp Khương Mỹ. Về lâu dài, vẫn chưa có giải pháp để bảo quản, xử lý gạch mủn triệt để.

Trả lời Báo Lao Động hồi tháng 5.2023, KTS Đặng Khánh Ngọc - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - cảnh báo: “Việc xuất hiện muối trên công trình sau trùng tu sẽ ảnh hưởng đến độ bền của những viên gạch và các thành phần trong khối xây của di tích. Về lâu dài, hiện tượng này có thể phá hủy bề mặt gạch di tích”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn