MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Nama (khoanh rào tôn) nằm trong khoanh vùng bảo vệ di tích Khâm Thiên Giám cạnh Đại Nội Huế. Ảnh: PĐ

Khu nghỉ dưỡng trong Kinh thành Huế và nỗi lo bảo tồn di sản

PHÚC ĐẠT LDO | 22/10/2019 06:18

Dự án khu nghỉ dưỡng Nama (Nama Resort) nằm cạnh Đại Nội Huế đang làm dấy lên những lo ngại; nhiều ý kiến cho rằng, khu vực này nằm trong hồ sơ công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt, Di sản văn hóa thế giới nên phải tuân thủ Luật Di sản.

Chưa có quyết định giao đất

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức cuộc họp giải quyết vướng mắc dự án khu nghỉ dưỡng Nama do Cty TNHH Đầu tư Du lịch Kinh Thành (Cty Kinh Thành) làm chủ đầu tư. Ông Hoàng Việt Trung - Phó Giám đốc Sở KHĐT cho biết, đây là dự án ở khu vực đất di tích nên theo chỉ đạo của UBND tỉnh phải rà soát lại để đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật.

Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận, địa phương chưa có quyết định giao đất cho chủ đầu tư. Do vướng khu vực bảo vệ di tích nên tỉnh đang tìm hướng giải quyết phù hợp với các quy định. “Chúng tôi mong muốn đầu tư dự án nhưng phải đúng luật, phù hợp với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản” - ông Định nói.

Trước đó, dự án Nama Resort được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 11.2015 với tên gọi Khu nghỉ dưỡng cao cấp Aman Huế, do Cty Kinh Thành làm chủ đầu tư, thời hạn hoạt động 30 năm. Ngày 21.6.2017, dự án có quy mô 20 phòng khách sạn cao cấp cùng với hệ thống nhà hàng, spa, hồ bơi và các dịch vụ tiện ích khác... được điều chỉnh lần đầu với thời gian hoạt động 50 năm trên diện tích 6.338m2, tổng vốn đầu tư gần 197 tỉ đồng.

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, dự án khu nghỉ dưỡng Nama đã được sở thẩm định thiết kế cơ sở vào tháng 4.2018 và thẩm định thiết kế kỹ thuật vào tháng 8.2018. Tuy nhiên, trên thực tế dự án vẫn chưa được cấp phép xây dựng vì nhà đầu tư chưa hoàn tất các thủ tục liên quan.

Phối cảnh dự án được Cty CP Du lịch Hương Giang đăng tải trên trang web của mình. Ảnh: PĐ

Cần tuân thủ Luật Di sản, chế tài của UNESCO

Khu vực triển khai dự án tiếp giáp 3 tuyến đường là Nguyễn Chí Diểu - Hàn Thuyên - Đoàn Thị Điểm và nằm sát với Đại nội Huế. Khu đất này là khu vực sân vườn của Khâm Thiên Giám triều Nguyễn - một di tích khí tượng thiên văn duy nhất còn sót lại trong lịch sử Việt Nam và là nơi tọa lạc của Thái Y giảng đường, một trong những cơ quan của Thái Y viện triều Nguyễn. Di tích Khâm Thiên Giám là danh sách di sản cấp I thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được công nhận Di sản văn hóa thế giới năm 1993.

Di tích Khâm Thiên Giám bị phá hủy từ thời Pháp. Sau năm 1975, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp quản, đến 2006, Cty CP Du lịch Hương Giang (hiện nắm giữ trên 50% cổ phần Cty Kinh Thành) đã đổi lấy khu đất này với mục đích xây dựng khu khách sạn, nhà hàng phục vụ du lịch. Thời điểm đó, dư luận ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã lo ngại việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến bảo tồn di sản.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho rằng, khu vực này nằm trong hồ sơ công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt, Di sản văn hóa thế giới nên mọi hoạt động ở đây phải tuân thủ theo Luật Di sản. Trong đó, có quy định khu vực bảo vệ I di tích phải phục hồi nguyên trạng về kiến trúc. Bất cứ dự án gì cũng phải thận trọng, luật không cấm hẳn việc khai thác di tích nhưng không được xâm phạm.

Ông Hoa cũng cho rằng, khu vực đường Đoàn Thị Điểm là không gian văn hóa, lịch sử tiếp giáp Hoàng thành Huế, là điểm ra của du khách sau khi tham quan di tích. Vì vậy, địa phương nếu muốn khai thác thì nên quy hoạch lại không gian đường Đoàn Thị Điểm - Lê Thánh Tôn đoạn từ đường Mai Thúc Loan đến đường 23 Tháng 8. Việc quy hoạch phải thể hiện ý đồ không gian về kiến trúc, sinh hoạt, dịch vụ, kinh tế để tạo ra không gian văn hóa lịch sử, góp phần thu hút khách, tôn tạo vẻ đẹp kinh thành.

“Cần lưu ý là dự án này có địa chỉ tại 85 Nguyễn Chí Diểu. Khu đất này trước kia không thuộc tuyến đường này, việc cho phép như vậy dễ dẫn đến việc nhà đầu tư triển khai xây dựng công trình có hướng quay lưng với các công trình di tích Kinh thành Huế, đối mặt với khu di tích Lục Bộ nếu khu này được khôi phục” - ông Hoa phân tích.

Ông Trần Đình Hằng - Phân Viện trưởng - Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế - nêu quan điểm, nên ủng hộ việc xã hội hóa, vì trước mắt chưa có đủ điều kiện để đầu tư xây dựng, trùng tu một cách toàn bộ. Trên đống đổ nát của di tích, phải ứng xử như thế nào để mang lại một giá trị cảnh quan, một giá trị lịch sử - văn hóa, mang lại lợi ích kinh tế để quay lại phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của một di sản văn hóa.

“Tuy nhiên, việc ứng xử trong một khu di sản phải bảo đảm tất cả các yếu tố về Luật Di sản, những chế tài của UNESCO như chiều cao, màu sắc, chất liệu, công năng của di sản. Tất cả phải đạt tới một yếu tố hài hòa, phù hợp, tránh trường hợp đào bới quá nhiều, bêtông hóa quá nhanh, diện tích xây dựng quá lớn. Để làm được như vậy thì vai trò quan quản lý nhà nước đặc biệt phải được coi trọng” - ông Hằng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn