MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khúc hát cánh đồng, tác giả Trần Nhật Minh.

"Khúc hát cánh đồng" của Trần Nhật Minh

Đào Bích LDO | 14/03/2018 15:28
Tác giả, nhà báo Trần Nhật Minh vừa mới ra mắt cuốn sách thơ "Khúc hát cánh đồng" như một cách tri ân với tuổi thơ của riêng anh.

Trần Nhật Minh được biết đến như một nhà báo, nhà thơ tài hoa. Anh là gương mặt quen thuộc của Ngày thơ Việt Nam ở mục sân thơ trẻ trong nhiều năm nay.

"Khúc hát cánh đồng" là tuyển tập những bài thơ được Nhật Minh sáng tác trong một thời gian dài. Ban đầu, sách có tựa đề là "Cánh chim mặt trời", tên một tác phẩm múa của mẹ anh, một nghệ sĩ ba-lê có tiếng. Tuy nhiên, sau đó, Nhật Minh đổi lại thành "Khúc hát cánh đồng", bởi anh muốn cuốn sách là sự tri ân với cả tuổi thơ, với những kỷ niệm còn dang dở và anh mang nợ đến tận hôm nay.

 Từ trái qua phải: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, tác giả Trần Nhật Minh, họa sĩ  Phương Bình, nhà thơ Đặng Vương Hưng tại buổi ra mắt cuốn sách.

Nói về cuốn sách, nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết: “Trong thơ của Trần Nhật Minh, giữa bao tầng cảm xúc, giữa lớp lớp hình ảnh và sự chìm sâu của suy tưởng, tôi thấy một con đường hiện lên. Đó là con đường của sự trở về. Và tôi vừa bị ám ảnh, vừa được gợi mở từ con đường ấy. Con đường trở về ấy là con đường để rời bỏ những phù phiếm, những cám dỗ, những hoang mang vô định và trở về một nơi chốn mà những giá trị muôn đời trú ngụ. Chỉ ở đó, nhà thơ, một con người, mới tìm thấy những gì thực sự có ý nghĩa với đời sống”.

 Cuốn sách vẽ ra những cánh đồng như một cách níu giữ cố hương giữa thời đại đô thị hóa.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lại nhận xét, thơ của Trần Nhật Minh như bản năng sống của anh. “Tính nhạc tràn vào cả câu chữ, hình ảnh, âm thanh. Có cảm tưởng ở đâu, lúc nào, tiếng đàn thơ trong tâm hồn Minh đều có thể bật lên cung điệu, và những cung điệu đó bất cứ khi nào cũng tạo được sự đồng điệu trong hồn người”.

“Minh viết về những người thương ruột thịt của mình, về những con người gặp gỡ trong đời, về cánh đồng quang cảnh quê hương, về nhiều thức khác nữa. Nhưng thơ không phải là “cá kể đầu rau kể mớ”. Minh có viết về gì thì cũng là để viết về Minh đấy thôi, để cái bản tính thi sĩ trong mình bộc phát ra, chan hòa với thế giới, với mọi người”, ông viết thêm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn