MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Họa sĩ Nguyễn Hồng Phương bên tác phẩm ''Những đường thẳng'' trong triển lãm ''Những giấc mơ hoang tưởng''. Ảnh: L.Q.V

Ký ức lần giở qua ''Những giấc mơ hoang tưởng’’

LÊ QUANG VINH LDO | 25/11/2019 12:11
Nguyễn Hồng Phương là nghệ sĩ đa phương tiện, từng tham gia nhiều sự kiện mỹ thuật ở Việt Nam và quốc tế. ''Những giấc mơ hoang tưởng’’ - triển lãm mới nhất của anh, đã ra mắt ở tối 24.11.2019 tại Cuci Art Studio ở Hà Nội, là cuộc trò chuyện không lời về những ký ức…

Cách đây 8 năm, tại Hà Nội, Nguyễn Hồng Phương đã gây ấn tượng với giới nghề và công chúng yêu mỹ thuật qua triển lãm sắp đặt ''Du cư trong thành phố’’, sau một số cuộc trình diễn trước đó. Với ham muốn thể nghiệm của một kẻ độc hành mơ mộng, trong 15 năm qua, Phương đã không ngần ngại phá vỡ các ranh giới truyền thống trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác, tạo nên những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân độc đáo.

Để tự ''làm giàu’’ cho mình những trải nghiệm nghệ thuật, Phương đã tham gia nhiều trại sáng tác, triển lãm ở trong nước và quốc tế. Anh cũng nằm trong số các họa sĩ lọt vào chung khảo cuộc thi ''Tài năng trẻ trong lĩnh vực hội họa 2010’’ do Quỹ Giao lưu và Trao đổi văn hóa (thuộc Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam) tổ chức.

''Những giấc mơ hoang tưởng’’ được trưng bày tới ngày 5.12, tại Cuci Art Studio (25 Hàng Bún, Hà Nội - một không gian nghệ thuật chuyên nghiệp nhằm kết nối họa sĩ Việt Nam với công chúng trong và ngoài nước) là những mảnh ghép ký ức của Phương thông qua các tác phẩm cũ, với chủ yếu là chất liệu tổng hợp trên giấy.

Trong loạt tác phẩm mới này, chất liệu giấy được anh sử dụng như toan, thể hiện quan niệm của anh: Bất chấp sự mỏng manh của giấy, đó lại là nơi chôn giấu suy nghĩ của con người. Và nó chứa đựng nhiều ký ức nhất có thể.

Triển lãm được chia thành 4 giai đoạn của những giấc mơ. Giai đoạn đầu là ''Bảng tin’’ - một sắp đặt điêu khắc dẫn chúng ta đến với các thành phố, thị trấn và làng quê Việt Nam - nơi có những ''Bảng tin’’ được đặt tại các khu trung tâm của dân cư, là phương tiện hữu hiệu cho việc tuyên truyền thông tin đại chúng. Trong sáng tác của Phương ắp đầy các câu hỏi.

Ở ''Sự cắt ghép’’, Phương lựa những hình ảnh quen thuộc trong các tranh cổ động cũ làm nền cho các bức tranh mới, làm bật lên những suy ngẫm. Còn trong ''Nỗi nhớ và mất mát’’ - biểu đạt cảm nghĩ của tác giả với các dân tộc thiểu số khi cuộc sống của họ hiện luôn dễ bị tổn thương khi bị lấn át bởi các dự án phát triển bất cập, khiến họ có xu hướng bị lãng quên… Giai đoạn cuối cùng là ''Những giấc mơ tình ái’’ - là lớp giấc mơ giàu hy vọng nhất.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn