MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh Tết Hà Nội xưa và nay đã có những thay đổi theo thời gian. Ảnh: Việt Văn

Ký ức Tết Hà Nội xưa

LÝ VIẾT TRƯỜNG LDO | 07/01/2023 13:34
Tết là một sự kiện đặc biệt với tất cả các khía cạnh, từ dòng chảy của thời gian đến dấu ấn về văn hóa - xã hội. Mỗi vùng miền lại có những đặc trưng riêng, với Hà Nội thì Tết cũng chứa đựng rất nhiều những giá trị đặc biệt, đó chính là một mảng màu đặc biệt của mảnh đất Thăng Long.

Không khí Tết

Trong ký ức của nhà văn Trung Sỹ, cứ đến rằm tháng Chạp công nhân nhà đèn bắt đầu chăng dây bóng điện đủ màu lên những cây bàng trụi, cây xà cừ trên phố Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Khoai… Người ta dùng barie xếp ngăn quây các khu phố này lại, Hàng Lược bán đào, Hàng Khoai bán thược dược, violet, layơn, Hàng Mã bán hoa giấy, đèn lồng, Hàng Rươi bán đồ đồng, đồ thờ cũ… Chợ Đồng Xuân bán hàng Tết với chè Hồng Đào, thuốc lá Thủ đô bao bạc, túi mì chính, kẹo mềm Hải Châu, mứt Tết, phong pháo Trúc Bạch, chai rượu…

Từ 23 tháng Chạp, các gia đình tất bật sắm sanh, dọn dẹp và trang hoàng trang hoàng nhà cửa. Các cô thiếu nữ tuổi ô mai rủ nhau đi mua táo, khế, cà chua, mận, gừng… về làm mứt; các bà, chị chuẩn bị gạo nếp, lá dong, đỗ xanh, thịt để làm bánh chưng…

Với nhà văn Trung Sỹ bữa cơm trưa ngày 29 tháng Chạp là ngon nhất, bởi đó là ngày gói bánh chưng, đậm đặc không khí Tết. Đêm giao thừa người ta rủ nhau đi ngắm pháo hoa, từ sáng mùng Một đến hết mùng Ba ai nấy đều diện những bộ quần áo mới để đi chơi Tết và thăm họ hàng, bạn bè và người quen. Chẳng thế mà dân gian có câu “Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba tết thầy”, với ý chỉ Tết là đoàn tụ, thăm hỏi và sẻ chia.

Mâm cỗ ngày Tết

Mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của người Hà Nội được chuẩn bị rất cầu kỳ, trong ký ức của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung mâm cỗ ngày 30 Tết được đặt trên chiếc mâm đồng vàng óng, bên trong có đĩa giò hoa, đĩa giò lụa, đĩa chả quế, đĩa xôi gấc, đĩa bánh chưng xanh, đĩa thịt gà, bát măng khô hầm móng giò, bát bóng thập cẩm, đĩa dưa góp, đĩa thịt đông, đĩa hành muối, đĩa rau thơm, đĩa cá trắm đen hay cá quả kho riềng, bát giả cầy nấu đông, bát miến lòng gà hay đĩa thịt bò xào thập cẩm… Ngoài ra trên mâm cỗ của những gia đình giàu có còn có thêm những món ngon như vây cá, bào ngư, hải sâm…

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung cho biết mâm cỗ Tết là sự hội tụ của những sản vật quý giá nhất đất trời và bàn tay người trồng hái, vậy nên nó đầy đặn và phong phú. Chẳng vì thế mà người Việt có câu “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” là vậy.

Mâm cỗ Tết được sửa soạn cẩn thận, trước là để cúng tổ tiên, sau là để cho cả nhà đoàn tụ chung hưởng, vậy nên nó mang giá trị vô cùng hệ trọng và thiêng liêng. Không khí hội tụ đông đúc, thấm đẫm tình cảm ruột thịt trong những thời khắc vô cùng đặc biệt của ngày Tết là nguồn động viên để tất cả mọi người dốc hết tâm lực để chuẩn bị mọi điều tốt đẹp nhất cho ngày Tết.

Thông qua những bữa cỗ Tết này cha mẹ có dịp để dạy con cháu cách nấu nướng, bày biện, dâng cúng. Bà Tuyết Nhung khẳng định chính Tết là nhịp cầu mềm mại và vững chãi cho những phong tục tập quán và cả những tinh hoa vốn cổ được truyền trao từ thế hệ này sang thế hệ khác, lưu truyền mãi đến ngày nay và muôn đời sau.

Nghệ nhân ẩm thực dân gian Ánh Tuyết là một trong những người lưu giữ “hồn” mâm cỗ Tết xưa. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Chơi Tết

Nhà văn Đỗ Phấn cho biết chẳng biết cái thú đi chơi chợ Tết của người Hà Nội có từ bao giờ, có lẽ Tết là lúc có thời gian rỗi rãi, dù không có tiền mua thì người ta cũng cứ đi xem cho sướng mắt. Người Hà Nội cân nhắc cẩn thận những thứ ngày Tết mua về nhà, không phải vì chuyện tiền bạc, họ luôn xa lánh sự lựa chọn giống nhau. Có lẽ người ta đi chơi chợ hoa cũng là để biết mà tránh mua về những thứ giống nhiều người khác.

Tết Hà Nội xưa là chồng complet vợ áo dài đi chúc Tết làng xóm láng giềng, gặp nhau ai nấy cũng tay bắt mặt mừng, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Thời nay Tết có sự thay đổi, người ta dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và người thân, nhiều người lựa chọn du lịch trong mấy ngày Tết. Những vòng cung Tây Bắc và Đông Bắc, bãi biển miền Nam ấm áp… mấy năm nay trở thành địa điểm được nhiều người Hà Nội lựa chọn để đi chơi Tết.

Với tất cả những gì đặc biệt nhất như vậy, nên nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) cho rằng trên phương diện cộng đồng, Tết là dịp mà sắc màu được bùng nổ khắp các không gian sống, ở đó người ta trang hoàng nhà cửa, xóm ngõ, phố phương, người ta ăn mặc đẹp hơn, cờ hoa tưng bừng khắp nơi, diễn xướng dân gian có dịp bùng phát.

Tết là thời điểm bùng nổ những tâm thức văn hóa, là lễ hội đánh dấu sự luân chuyển thời gian, trong mọi cộng đồng đều dành cho Tết với những ứng xử tốt đẹp nhất. Sự tôn kính với tổ tiên trong cảm thức uống nước nhớ nguồn qua các nghi lễ, sự tôn trọng trong ứng xử xã hội, sự yêu thương đối với trẻ em, thế hệ tương lai, sự trợ giúp đối với những số phận kém may mắn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn