MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lần đầu tiên có giải Cống hiến văn học

ĐẶNG CHUNG LDO | 06/04/2017 06:59
Ngày 4.4, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX đã tổ chức lễ truy tặng giải thưởng Cống hiến cho 22 tác giả có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà. Hiếm có giải thưởng nào trong lĩnh vực văn học nghệ thuật lại nhận được sự đồng thuận, không tranh cãi, không ỳ xèo như thế! Bởi đây là giải thưởng đặc biệt, tôn vinh những người đã khuất, nhưng tác phẩm của họ vẫn sống trong lòng người.

22 cố tác giả được tôn vinh

Đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam có giải thưởng tôn vinh những người không phải là hội viên. Quyết định được đưa ra rất chóng vánh bởi các thành viên trong ban chấp hành, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thành lập Hội Nhà văn Việt Nam.

“Việc trao giải Cống hiến cho các nhà văn không phải là hội viên cho thấy ban chấp hành đã thực sự nắm bắt mặt bằng chung, theo dõi quá trình sáng tạo của tất cả nhà văn có quốc tịch Việt Nam. Các nhà văn bằng tác phẩm của mình đã đóng góp trong sáng tạo, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển của nền văn học nước nhà, dù không gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam vẫn sẽ được tôn vinh, trân trọng ”- nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ ý nghĩa của giải Cống hiến văn học.

Trao giải “Cống hiến” của Hội Nhà văn Việt Nam cho thân nhân các cố nhà văn. Ảnh: TTXVN

 

Về tiêu chí xét giải, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết: “Các nhà văn được trao giải Cống hiến là người đã khuất, chưa được trao các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Giải thưởng cấp Nhà nước về văn học nghệ thuật. Người được trao giải có những tác phẩm, những công trình nghiên cứu và dịch thuật văn học có giá trị, nhưng vì những lý do khác nhau, chưa được trao tặng những giải thưởng văn học tương xứng với những đóng góp của họ”.

Trong lần thứ nhất trao giải Cống hiến văn học, 22 cố tác giả đã được tôn vinh. Trong đó có nhà văn Võ Hồng với tập thơ “Thơm ngát hương cau”, nhà nghiên cứu Vũ Đức Phúc với nhiều công trình có giá trị, Hà Minh Tuân (Hai trận tuyến, Trong lòng Hà Nội, Vào đời), Nhật Tuấn (Đi về nơi hoang dã, Con chim biết chọn hạt), dịch giả Nguyễn Thụy Ứng (Sông Đông êm đềm - tác phẩm dịch)… Người thân của họ đã thay người quá cố lên nhận giải thưởng.

Giá như… “sớm hơn”

Giải Cống hiến văn học 2017 được Hội Nhà văn Việt Nam trao đúng dịp hội kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Đây cũng là dịp các nhà văn trên khắp mọi miền gặp gỡ, rôm rả trò chuyện khi có dịp hàn huyên. Người thân của những người được trao giải thì lặng lẽ chờ… để lên nhận giải. Nhiều người đã khóc, vì cha họ, ông họ đã không thể chờ đến lúc được vinh danh.

“Đây là sự ghi nhận của Hội Nhà văn và công chúng với những đóng góp của bố tôi. Khi viết những cuốn sách nghiên cứu phê bình văn học, ông không mong mình nhận giải thưởng mà chỉ âm thầm cống hiến. Khi còn sống, ông cũng không làm hồ sơ xin xét giải thưởng, vì không muốn đi xin. Ông chỉ nói: Những gì có giá trị sẽ đi vào đời sống, rồi sẽ được ghi nhận” - chị Vũ Ý Nhi - con gái nhà nghiên cứu Vũ Đức Phúc xúc động chia sẻ với PV sau khi thay cha lên nhận giải thưởng.

Đánh giá về ý nghĩa giải Cống hiến, nhà văn Y Ban nói ngắn gọn: Nhân văn và sang trọng. Giải thích cho nhận xét này, nhà văn Y Ban cho biết: “Bởi người chết đã chết rồi, nếu tôn vinh sớm thì ý nghĩa hơn. Nhưng có còn hơn không, vì giải thưởng đã khẳng định: Những tác phẩm hay, công trình có giá trị sẽ được ghi nhận. Giải thưởng cũng mở ra chương mới, bởi mỗi lần Hội Nhà văn công bố giải thưởng đều có những tiếng eo xèo, về chuyện người này được, người kia không. Muốn có giải thì buộc phải viết đơn xin xét giải, phải là hội viên, nên rất nhiều người dù có tác phẩm hay nhưng không muốn đi xin xỏ. Tôi nghĩ Hội Nhà văn nên mở rộng ra, ngoài cơ chế cũ hãy làm song hành việc phát hiện ra những tác phẩm hay, những tác giả có nhiều đóng góp để tôn vinh”.

Ngày 4.4, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển (1957 - 2017) với sự tham dự của hơn 500 nhà văn đại diện cho giới văn học nghệ thuật trong cả nước.

Đến dự lễ kỷ niệm và chia vui với các nhà văn Việt Nam có các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, Hà Nội.

Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa chúc mừng sự kiện trọng đại của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tại buổi lễ, đồng chí Võ Văn Thưởng chúc mừng toàn thể hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đồng thời nhấn mạnh: Hội cần bám sát hơi thở cuộc sống đương đại, đi sâu, nắm bắt những vấn đề nóng bỏng của xã hội, phấn đấu tạo ra nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khắc họa sinh động hình ảnh con người Việt Nam vừa truyền thống vừa hiện đại; đề cập đến nhiều vấn đề bức thiết của xã hội đương đại; kế thừa, phát huy chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo - truyền thống quý báu của dân tộc, văn hóa Việt Nam. BÍCH HÀ

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn