MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lễ hội biến tướng, giành giật cướp lộc: Sự dung tục ý niệm dân gian

Linh Chi LDO | 16/02/2019 10:46
Những năm trở lại đây, những hình ảnh hàng nghìn người chen lấn, giẫm đạp nhau để "cướp lộc" đã trở nên quen thuộc tại các lễ hội đầu xuân năm mới. Đây là một hiện tượng đáng buồn, theo T.S Nguyễn Viết Chức - chuyên gia văn hoá, đây là hiện tượng dung tục lễ hội, dung tục ý niệm dân gian. 

Đi lễ hội đầu năm vốn là nét truyền thống từ lâu đời của người Việt với mong muốn bình an, sức khoẻ cho bản thân trong năm mới. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nét truyền thống này đang dần bị biến tướng khi tại rất nhiều lễ hội diễn ra sự tranh giành, cướp giật, giẫm đạp lên nhau để cướp những vật được cho là may mắn.

Chẳng nói đâu xa, lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ) diễn ra ngày 13 tháng Giêng hàng năm, khiến nhiều người bàng hoàng trước cảnh tượng hàng trăm thanh niên mình trần lao vào nhau, giẫm đạp để cướp được quả phết may mắn. Những hình ảnh bạo lực khiến nhiều người không khỏi lắc đầu ngao ngán khi lễ hội cầu an, may mắn biến thành cuộc hỗn chiến, giành giật.

Hay như lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định), hội chùa Hương, hội Gióng,... hàng trăm nghìn người dân chen lấn, xô đẩy nhau để dâng lễ, cướp lộc,... Dần dà, người ta quen dần với những cụm từ "cướp lộc", "cướp hoa tre", "cướp phết",... tại các lễ hội đầu năm. 

Hàng trăm thanh niên mình trần lao vào ẩu đả, tranh giành để cướp phết. Ảnh: LĐO.

Nhìn nhận thẳng thắn vấn đề này, T.S Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục Quốc hội - cho rằng: "Những lễ hội biến tướng là một hiện tượng dung tục lễ hội, dung tục ý niệm dân gian. Ý niệm dân gian trong sáng chứ không hề cướp bóc như vậy.

Trong lễ hội dân gian, "cướp lộc" chỉ là trò diễn dân gian, thể hiện tái hiện lại chứ không phải là cướp bóc, cướp giật. Người ta làm lễ hội không phải để cướp giật. Phản cảm không phải vì cái phết, hoa tre mà chính vì chúng ta ứng xử không đúng với lễ hội, không hiểu lễ hội".

Cũng theo ông, lễ hội dân gian là tín ngưỡng của một bộ phận người và được diễn ra trong không gian của lễ hội nhưng nếu diễn ra không gian khác có thể nó lại thành phản cảm, đặc biệt là cướp phết, cướp hoa tre,... không phải giành giật, tranh cướp. Các trò diễn dân gian có tính chất ước lệ. Tất cả người tham gia lễ hội đều mong muốn niềm hạnh phúc, may mắn cho cả những người khác chứ không phải chỉ nhăm nhăm cướp may mắn cho mình. Đã gọi là "cướp", là hành vi xấu thì sẽ không thể may mắn. 

Liên quan đến việc có nên bỏ những lễ hội phản cảm, T.S Nguyễn Viết Chức khẳng định, lễ hội phản cảm vì người tranh cướp chứ con phết, hoa tre hay bản thân lễ hội không hề phản cảm. Nếu có thay cần phải thay người đi lễ hội chứ không phải thay lễ hội, ông mong rằng mỗi người hãy học hỏi, tìm hiểu cho kĩ khi tham gia lễ hội. Bởi, mỗi người khi tham gia lễ hội nghĩa là đã trở thành một phần của lễ hội đó.

Biển người chen lấn tại lễ khai ấn Đền Trần. Ảnh: T.L.

"Ít quốc gia có những lễ hội dân gian đặc sắc, mang đậm bản sắc như Việt Nam. Chúng ta nên giữ gìn và phát huy đúng bản sắc của mỗi lễ hội. Phải nhìn nhận rằng, lễ hội không chỉ là tốn kém. Nếu biết khai thác, lễ hội là tài nguyên vô cùng phong phú cho du lịch. Nếu biết ứng xử đúng truyền thống, lễ hội không những đem lại may mắn, niềm vui cho tất cả mọi người mà còn mang lại kinh tế cho đất nước", T.S Nguyễn Viết Chức nói. 

Video: Cảnh chen lấn tại lễ cướp phết Hiền Quan năm 2018:

This browser does not support the video element.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn