MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nuôi trâu chọi tại xã Hải Lựu. Ảnh: Thiệu Khánh

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu bị dừng: Người nuôi trâu chọi hụt hẫng

Thiệu Khánh – Bảo Hân LDO | 09/03/2021 07:30

Thêm 1 lần nữa, Lễ hội chọi trâu Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc lại buộc phải tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Dù biết rằng đó là điều rất cần thiết để khống chế, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, nhưng những người nuôi trâu chọi tại xã Hải Lựu vẫn không khỏi hụt hẫng, lo lắng. Không chỉ buồn vì lễ hội truyền thống của quê hương không được tổ chức, mà hầu hết người nuôi trâu chọi đều đứng trước thua lỗ, mất trâu vì kinh phí chăm sóc đã bỏ ra quá nhiều.

Trước đây, vào những ngày đầu năm, không khí tại xã Hải Lựu luôn nhộn nhịp, tấp nập. Khắp các thôn làng trong xã, đâu đâu cũng rộn rã tiếng trống, tiếng chiêng, khiến cho không khí Lễ hội chọi trâu truyền thống diễn ra vào 16-17 tháng Giêng như đến gần hơn. Các chủ trâu ai nấy đều tất bật để chuẩn bị những khâu cuối cùng cho các "ông Cầu" tham gia vòng chung kết...

Vậy nhưng, đã 2 năm trở lại đây, người dân của xã không còn được cảm nhận không khí tưng bừng, náo nhiệt của lễ hội như trước. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ hội chọi trâu Hải Lựu năm 2020 đã phải dừng tổ chức. Đến năm nay, thêm 1 lần nữa, lễ hội cũng phải tạm dừng. Điều này khiến nhiều người nuôi trâu chọi ở xã Hải Lựu hụt hẫng và lo lắng.

May mắn là một trong những người được chọn nuôi trâu chọi cho lễ hội, 2 năm trước, anh Hán Văn Quyết (thôn Dân Chủ, xã Hải Lựu) lặn lội sang huyện Phúc Thọ (TP.Hà Nội) để mua "ông Cầu" có nguồn gốc từ Campuchia với giá 100 triệu đồng.

Với khẩu phần ăn mỗi ngày 4kg mật mía, 6kg ngô nấu và các loại cỏ, cây ngô, hiện "ông Cầu" của gia đình anh Quyết nặng khoảng 1 tấn và rất khỏe mạnh, với cặp sừng to, rộng. Do dịch COVID-19, lễ hội chọi trâu năm 2020 đã không diễn ra. Anh Quyết cùng những hộ nuôi trâu chọi tiếp tục chăm sóc trâu chờ đến mùa giải năm 2021, nhưng gần đến ngày thì nhận được thông báo dừng lễ hội vì dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến anh Quyết vừa buồn, vừa lo lắng.

“Buồn vì thêm 1 năm lễ hội không được tổ chức. Hụt hẫng vì bao tâm huyết của mình trong 2 năm qua huấn luyện, chăm sóc để "ông Cầu" có thể trạng tốt nhất, sung sức nhất chờ ngày khai hội nhưng lại không được thi đấu. Lo lắng bởi không chỉ riêng gia đình tôi, tất cả những hộ nuôi trâu phục vụ lễ hội đều đang đứng trước nguy cơ mất trâu vì kinh phí bỏ ra quá lớn” - anh Quyết chia sẻ.

Một trận đấu căng thẳng giữa hai trâu chọi tại Lễ hội chọi trâu Hải Lựu Xuân Bính Thân 2016. Ảnh: Cổng thông tin - giao tiếp điện tử Thành phố Vĩnh Yên

Cũng như gia đình anh Quyết, ông Dương Văn Hải (thôn Thống Nhất, xã Hải Lựu) - người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong tìm và huấn luyện trâu chọi - cho hay: "Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là lễ hội không được tổ chức, trâu không được chọi nhưng cũng không thể bán, mổ thịt bởi đã kí cam kết trước khi nhận nuôi. Trước mua trâu đã mất 100 triệu đồng, sau gần 2 năm chăm sóc mất thêm khoảng 70 triệu đồng. Nếu giờ bán trâu theo giá thị trường cũng chỉ được khoảng 70 triệu đồng, vậy là lỗ tiền mua trâu".

Được biết, để giải quyết những khó khăn cho người dân, UBND xã Hải Lựu đã kiến nghị UBND huyện Sông Lô xây dựng cơ chế hỗ trợ người nuôi trâu chọi. Đồng thời, đề ra những giải pháp như có thể bán trâu để thu một phần vốn hoặc có thể giết mổ làm thương phẩm; khuyến khích các hộ dân còn khả năng tiếp tục nuôi lại để chờ đến mùa lễ hội năm sau".

Lễ hội chọi trâu truyền thống Hải Lựu là lễ hội truyền thống có từ lâu đời của người dân xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Lễ hội được khôi phục năm 2002, tổ chức vào ngày 16-17 tháng Giêng. Trước đây, lễ hội có 32 “ông Cầu” (trâu) tham gia so tài ở hai vòng thi đấu. Tuy nhiên, từ năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định Lễ hội chọi trâu truyền thống Hải Lựu tổ chức với quy mô thu gọn, chỉ gồm 20 trâu và không bán vé.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn