MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách tham quan Chùa Hương ngày mùng 2 Tết. Ảnh: Mỹ Linh

Lễ hội Chùa Hương Xuân Quý Mão: Tấp nập nhưng còn lộn xộn

Mỹ Linh LDO | 23/01/2023 19:10
Có mặt tại khu di tích thắng cảnh Chùa Hương vào ngày 2 Tết (23.1), chúng tôi cảm nhận rõ không khí chuẩn bị sẵn sàng cho ngày khai hội (6 Tết, tức 27.1). Tuy nhiên, để lễ hội Chùa Hương diễn ra quy củ, trật tự thì vẫn còn một số việc phải làm.

Sẽ hết cảnh chặt chém, chèo kéo khách tham quan

Mới mùng 2 Tết nên khu di tích chưa tổ chức bán vé, người dân được tự do thoả thuận với du khách về giá dịch vụ lên đò.

Vẫn còn tình trạng “bắt khách”, chèo kéo từ đoạn đường bắt đầu vào khu di tích. Mức giá cho 2 người đi một đò riêng là 500.000 đồng cả đi lẫn về, nếu ghép khách thì 300.000 đồng.

“Chỉ có những ngày như hôm nay, khách được miễn phí vé tham quan thì mới có tình trạng đeo bám, chèo kéo khách thôi và dân lái đò chúng tôi mới được “tháo khoán” - chị Xuyến, một lái đò ở Chùa Hương cho hay và nói thêm, bắt đầu từ 0 giờ ngày mùng 3 Tết, Nhà nước bắt đầu bán vé trở lại nên muốn chèo kéo hay lấy giá đắt cũng khó bởi đã có quy định về giá vé và giá dịch vụ.

Cảnh tấp nập tại bến Yến. Ảnh: Mỹ Linh 

Năm nay, Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương 2023 đã sớm thông báo về giá vé các dịch vụ tại di tích trong thời gian diễn ra lễ hội.

Trong đó có dịch vụ xe điện lần đầu tiên được đưa vào phục vụ tại 3 tuyến: Bến xe Hội Xá - Bến đò Yến Vỹ; Bến xe Đục Khê - Bến trượt Đồng Cừ; Bến xe đường số 1 - Bến đò chùa Tuyết Sơn, mức giá 10.000 đồng/người/lượt, đồng giá cho cả 3 tuyến.

Giá vé tham quan thắng cảnh và xuồng, đò là 130.000 đồng/người và vé gửi ô tô theo giờ dao động từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/giờ tùy loại xe.

Ban Tổ chức cũng niêm yết giá dịch vụ xuồng, đò. Cụ thể, tuyến đò đi Hương Tích có giá 50.000 đồng/người/2 lượt. Tuyến đò đi Long Vân - Tuyết Sơn có giá 30.000 đồng/người/2 lượt.

Gần 5.000 đò đã được chỉnh trang, sẵn sàng đón khách. Ảnh: Mỹ Linh 

“Tất nhiên, giá vé quy định thì chúng tôi chấp hành. Những người lái đò lâu năm như chúng tôi chỉ mong khi lễ hội không có tình trạng lộn xộn. Tôi lại mong Ban quản lý ở đây làm được như bên Tràng An - Ninh Bình, nghĩa là vé trọn gói, đò được đánh số và thay vì tranh giành khách, chúng tôi được nhận lương” - chị Xuyến cho hay.

Những nét mới

Xe điện là một nét mới được kỳ vọng là sẽ làm quang cảnh khu vực trên bờ suối Yến được ngăn nắp hơn. Xe ô tô buộc phải gửi ở một nơi xa, khách đi vào bến đò, nếu không muốn đi bộ thì có thể chọn xe điện với giá 10.000 đồng/ lượt.

Du khách có thể lựa chọn đi cáp treo để lên động Hương Tích. Mức giá cao nhất là 220.000 vé khứ hồi. Ảnh: Mỹ Linh 

“Trước thời điểm dịch COVID-19, xe cộ vào lộn xộn lắm vừa mất trật tự, vừa mất an toàn. Triển khai xe điện, chúng tôi rất đồng tình” - ông Thường, chủ quán ăn khu vực suối Yến nói.

Điểm mới năm nay cũng đã được triển khai và áp dụng ngay, đó là vé điện tử thay vé truyền thống.

Một người lái đò cho hay, trước đây, khi dùng vé giấy thì vẫn có tình trạng vé “quay vòng” nhưng với vé điện tử thì không quay vòng được nữa.

Theo Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương, đây là lần đầu tiên vé điện tử được triển khai. Việc lắp đặt hệ thống kiểm soát vé cũng như tập huấn cho đội ngũ kiểm soát đã sẵn sàng.

Động Hương Tích đón lượng khách lớn ngay từ những ngày đầu năm. Ảnh: Mỹ Linh 

Sau ba mùa lễ hội gần như tê liệt vì COVID-19, lễ hội chùa Hương năm nay dự kiến sẽ đón lượng khách kỷ lục.

Chính vì vậy, công tác chuẩn bị từ rất sớm. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, kiểm soát để hạn chế thấp nhất hành vi chèo kéo, ép giá, tranh giành khách, đổi tiền lẻ, cờ bạc, hành nghề mê tín dị đoan… 

Người tham quan mong một năm bình an và đạt nhiều ước vọng. Ảnh: Mỹ Linh 

Gần 5.000 chiếc đò đã được sơn lại màu xanh tạo ra điểm nhấn thú vị cho du khách.

Song, để Chùa Hương thực sự là nơi “An toàn- Văn minh- Thân thiện" thì vẫn cần cải thiện rất nhiều, từ chuyện làm sạch rác, chỉnh trang cho hàng quán đỡ nhếch nhác cũng như thái độ đón khách cần sớm thay đổi triệt để.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn