MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ hội cướp đầu pháo cầu may ở thành phố Lạng Sơn luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng

Lễ hội cướp đầu pháo cầu may ở thành phố Lạng Sơn có gì đặc biệt?

Lý Viết Trường LDO | 12/02/2023 07:54
Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ sẽ diễn ra từ hôm nay (12.2) đến ngày 17.2 (27 tháng Giêng), với những hoạt động tưởng nhớ công ơn của Quan lớn Tuần tranh (thờ tại đền Kỳ Cùng) và Phó tướng Thân Công Tài (thờ tại đền Tả Phủ), người đã có công trấn giữ và mở mang phố chợ Kỳ Lừa. Trong rất nhiều hoạt động, thì lễ cướp đầu pháo với ý nghĩa cầu may mắn và tài lộc luôn thu hút nhiều người tham gia nhất.

Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ là lễ hội lớn nhất tỉnh Lạng Sơn, vậy nên năm nào cũng vậy bà Nông Thị Muộn (54 tuổi, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) cũng đều rủ bạn bè đến hội để thắp hương cầu may mắn và hát sli giao duyên.

Bà Muộn cho biết hội diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng. Ngày 22 tháng Giêng, đúng giờ Ngọ đoàn rước với sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân trong tỉnh, các đoàn sư tử, lân, rồng, “Đồng nam” và “Đồng tử” sẽ rước bát hương Quan lớn Tuần tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ.

Tương truyền rằng Hán Quận công khi giữ chức Tả Đô đốc đã giải nỗi oan khuất cho Quan lớn Tuần tranh, vậy nên ngày 22 Quan lớn Tuần tranh được rước lên đền Tả Phủ để tạ ơn người đã có ơn với mình, đến ngày 27 lại rước về đền Kỳ Cùng.

Trên suốt dọc hai tuyến đường mà đoàn rước kiệu đi qua, các hộ gia đình đều chuẩn bị những mâm lễ vật để dâng lên thần linh, trung tâm của mâm lễ là con lợn quay, với mong muốn thần linh sẽ phù hộ cho gia đình gặp nhiều tài lộc, bình an.

Tâm điểm của lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ là màn cướp đầu pháo, diễn ra tại khu vực phía trước đền Tả Phủ. Theo Ban tổ chức lễ hội, sau hơn 3 năm dịch bệnh thì năm nay màn cướp đầu pháo sẽ được diễn ra bình thường như trước khi có dịch.

Đầu pháo được treo trên cây tre cao khoảng 15m, bên trong đầu pháo người ta để một vòng kim loại, nối với đầu pháo là hai dây pháo cháy chậm buông xuống sát mặt đất. Khi pháo được đốt, đầu pháo nổ và vòng kim loại bay lên không trung, mọi người chờ vòng kim loại rơi xuống rồi xông vào tranh cướp.

Người nào tranh được thì đem đến trình báo với nhà đền, sau đó Ban tổ chức sẽ thông báo và vinh danh, tặng thưởng rồi rước về tận nhà để tạ ơn tổ tiên. Đến năm sau người đó sẽ quay một con lợn, rước đến nhà đền để làm lễ vật dâng cúng lên thần linh.

TS Hoàng Văn Páo - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tục cướp đầu pháo cầu may có từ thế kỷ 17, gắn với lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ. Đầu pháo được làm bằng vòng tròn bằng đồng, được bắn ra từ bánh pháo nổ trong khoảng sân rộng trước đền. Mọi người tranh nhau đầu pháo tạo không khí vô cùng sôi nổi, náo nhiệt. Người dân xứ Lạng quan niệm ai cướp được đầu pháo sẽ gặp may mắn cả năm.

Bên cạnh màn tranh đầu pháo, năm nay lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ còn có những hoạt động đặc sắc, nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch: trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn, lảy cỏ, múa sư tử, chèo xuồng…; diễn xướng dân gian với các làn điệu sli, lượn, hát then…; không gian ẩm thực với thịt lợn quay, thịt vịt quay, trải nghiệm giã bánh dày, làm bánh ngải…; Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn tổ chức Trưng bày chuyên đề “Chợ phiên Kỳ Lừa xưa”…

Bà Nông Thị Muộn cho biết trong suốt thời gian lễ hội, khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ là nơi ngập tràn màu sắc với những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu. Đồng bào các dân tộc Nùng, Tày từ khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh hẹn nhau về đây để hát sli, những câu sli “nhì nhan sloong hàu” cứ dập dìu ngân vang, những câu then “mời anh lên xứ Lạng” cứ dập dìu da diết lòng người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn