MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia sẽ diễn ra trong Lễ hội truyền thống kỷ niệm 155 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh. Ảnh: Nguyên Anh

Lễ hội sắp nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia ở Kiên Giang có gì đặc biệt?

NGUYÊN ANH LDO | 10/09/2023 06:17

Lễ hội truyền thống kỷ niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh đã có lịch sử hình thành hơn 100 năm, có sức ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân Kiên Giang và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

Lễ hội truyền thống kỷ niệm 155 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh hay còn được người dân khắp nơi quen gọi với cái tên thân thương là Lễ giỗ cụ Nguyễn, đây là nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Theo Ban Chỉ đạo các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang năm 2021-2025, Lễ hội năm nay đặc biệt hơn vì gắn với Lễ đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang”.

Năm 1988, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực cấp quốc gia.

Có thể nói đây là một mô hình lễ hội độc đáo của khu vực mang tính cộng đồng rất cao, mọi người cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng hưởng thụ những thành quả lao động mà mình đã góp phần trong lễ hội và khi ốm đau được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Sau lễ, những sản vật dâng cúng của nhân dân đều được sử dụng để cứu tế cho dân nghèo, các bếp ăn từ thiện trong bệnh viện, các trung tâm bảo trợ xã hội.

Người dân khắp nơi tự nguyện đến góp công sức, phục vụ cho lễ hội. Ảnh: Nguyên Anh

Ban Bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực cho biết: Nét đẹp trong lễ hội chính là việc bà con khắp nơi đoàn kết cùng nhau tề tựu về lo tươm tất lễ giỗ như người trong gia đình, nét văn hóa này không phải ở đâu cũng còn lưu giữ được.

Bà con khắp nơi đã đóng góp cho lễ hội rất nhiều từ vật chất đến công sức, ai có gì góp đó. Dù khách đổ về rất đông nhưng mọi người đều tự ý thức phần việc của mình nên mọi công việc đều diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. Bà con đến lễ hội có cơm chay miễn phí để dùng, nước uống được phát tận tay, nhang đèn cúng cũng được chuẩn bị sẵn không phải tốn kém để mua.

Mỗi năm, có hơn 1 triệu người đến lễ hội. Để phục vụ được số lượng người dân đến viếng, trước đó hàng ngàn người dân khắp nơi trong và ngoài tỉnh đã đến thành phố Rạch Giá để tự nguyện làm công quả, phục vụ cho lễ hội.

Theo ông Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Sở VHTT Kiên Giang, Lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 10-12.10 (nhằm ngày 26 - 28.8 âm lịch), tại TP Rạch Giá, gồm phần lễ và phần hội với nhiều nội dung đặc sắc. Qua lễ hội cũng nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển thương hiệu và tăng cường quảng bá hình ảnh, đất nước, con người của tỉnh Kiên Giang đến du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội là sự hòa quyện hài hòa giữa phần lễ trang nghiêm, phần hội đặc sắc và tấm lòng tri ân đáng quý của nhân dân. Chính sự kết tinh ấy đã giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giáo dục tinh thần yêu nước, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm cho các thế hệ người Việt Nam.

Ngoài phần Lễ theo nghi thức truyền thống thì phần Hội sẽ được tổ chức quy mô với nhiều hoạt động thiết thực. UBND tỉnh cũng chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao có nội dung lành mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh cùng tham gia.

Năm 1861, Nguyễn Trung Trực cùng 59 nghĩa quân đã dùng mưu kế đánh úp chiến hạm L’Espérance trên vàm Nhựt Tảo, tiêu diệt hàng chục sĩ quan, binh lính Pháp cùng lính Ma Ní, lính tập và đốt cháy tan tành “pháo đài nổi” bọc đồng, được trang bị vũ khí hiện đại, mang lại chiến thắng vang dội cho quân và dân ta. “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” là câu nói bất hủ của vị anh hùng dân tộc đã in sâu vào tâm trí của bao thế hệ hôm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn