MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lễ hội Xuân Quý Mão 2023: Dừng tổ chức nếu có hiện tượng tiêu cực

Hải Minh LDO | 31/01/2023 08:57

Lễ hội Xuân Quý Mão được dự đoán thu hút một lượng lớn người tham dự sau thời gian dài hoạt động cầm chừng do dịch bệnh COVID-19.

Lượng khách tăng đột biến

Năm nay, các lễ hội trên cả nước sẽ trở lại sau thời gian dài ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, các lễ hội được dự đoán thu hút một lượng lớn du khách thập phương, nhân dân tham dự.

Theo ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng ban Quản lý khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), trong những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lượng du khách đổ về tham quan, đi lễ đầu năm tại chùa Hương rất đông sau đợt ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Chỉ tính từ ngày 22.1 - 25.1.2023, chùa Hương đã đón hơn 90.000 lượt khách về tham quan, lễ Phật. Trong đó, ngày 23.1 và ngày 24.1 trung bình mỗi ngày đón 20.000 - 30.000 lượt khách. Ngày 25.1, lượng khách du lịch về chùa Hương là khoảng 40.000 người.

Sau thời gian tạm ngừng do dịch COVID-19, lễ hội đền Trần Nam Định 2023 sẽ diễn ra từ ngày 1-6.2.2023 (tức ngày 11-16 tháng Giêng), từ 23h15 ngày 14 tháng Giêng sẽ diễn ra nghi thức khai ấn. Theo Ban tổ chức, năm nay, lễ hội dự kiến sẽ thu hút lượng khách đông hơn rất nhiều so với mọi năm

Lễ hội Xuân Yên Tử năm 2023 khai hội vào ngày 10 tháng Giêng, năm Quý Mão (ngày 31.1.2023) tại thành phố Uông Bí và kéo dài suốt 3 tháng đầu năm. Dự kiến, năm nay sẽ có hơn 1 triệu phật tử, nhân dân và khách du lịch về Yên Tử trong thời gian lễ hội. 

Lễ khai hội chùa Hương 2023 diễn ra vào sáng 27.1. Ảnh: Mai Hương

Gạn đục khơi trong

Những năm trước, một số hiện tượng tiêu cực, phản cảm vẫn còn xuất hiện trong mùa lễ hội như tranh cướp, chen lấn, xô đẩy tại hội phết Hiền Quan (Phú Thọ); lễ hội đúc Bụt (Vĩnh Phúc) hay hội làng Sơn Đồng (Hà Nội)... Tuy nhiên, những năm trở lại đây, các lễ hội đầu xuân năm mới đã dần được "gạn đục khơi trong".

Cũng theo ông Nguyễn Bá Hiển, lễ hội chùa Hương năm 2023 được tổ chức với chủ đề "An toàn, văn minh, thân thiện". Điểm đổi mới năm nay đó là hình thức bán vé tham quan, xuồng đò từ truyền thống sang mô hình bán vé điện tử. Ngày khai hội đón khoảng trên 4 vạn lượt khách tham gia nhưng không có hiện tượng chen lấn, ùn tắc.

Từng là lễ hội gây nhiều tranh cãi trong những năm qua bởi hình ảnh phản cảm nhưng đến năm nay, lễ hội chém lợn (làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm (TP Bắc Ninh) diễn ra trong ngày 5-6 tháng Giêng với nghi thức chém lợn trong phòng kín.

Điều này đã góp phần giảm đi sự phản cảm mà vẫn gìn giữ được những tập tục truyền thống của xứ Kinh Bắc. Theo Ban tổ chức lễ hội, trong năm 2023, lễ hội làng Ném Thượng vẫn duy trì các nghi thức truyền thống nhưng bảo đảm thực hiện theo nếp sống văn minh. Nghi thức chém lợn giữa sân đình đã không diễn ra mà "ông ỉn" được đưa vào khu vực kín đáo giết thịt tế thánh.

Vào mùng 6 tháng Giêng, hàng vạn người đã đến Khu Di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc (Hà Nội) để tham gia lễ hội đền Sóc xuân Quý Mão. Năm nay, lễ hội được tổ chức theo đúng như kịch bản, quy trình như đã cam kết với UNESCO, không có hiện tượng cướp lộc tre, chen lấn xô đẩy tranh lộc.

Sau khi làm lễ tại sân Rồng (đền Thượng), hoa tre và trầu cau được cung tiến đức Thánh Gióng đã được san sẻ đưa về đền Hạ và đền Mẫu để phát lộc cho người dân và du khách.

Dự báo mùa lễ hội 2023 tăng đột biến về số lượng người tham gia lễ hội và các nội dung liên quan tới hoạt động tổ chức lễ hội, bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết Cục Văn hóa cơ sở đã làm việc với một số địa phương có hoạt động lễ hội còn hiện tượng gây tranh luận trái chiều.

Cục Văn hóa cơ sở cũng đã có văn bản gửi các địa phương, trọng tâm là Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… đề nghị các địa phương phải căn cứ vào thực tiễn, quy định trong Nghị định 110/2018/NĐ-CP về tổ chức, quản lý lễ hội; sớm thành lập ban tổ chức, xây dựng kịch bản, phương án tổ chức lễ hội khoa học, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân.

Theo Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương, Cục đã đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo, có phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong lễ hội, quy định chặt chẽ trách nhiệm đối với người tham gia các hoạt động lễ hội có tính chất nhạy cảm thời gian qua như đánh Phết, có biện pháp xử lý kịp thời trường hợp xảy ra ẩu đả, mất an ninh trật tự.

Khi có hiện tượng đó xảy ra, địa phương phải yêu cầu dừng việc tổ chức, ổn định trật tự mới được tiếp tục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn