MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NXB Phụ nữ Việt Nam kiên định xây dựng thương hiệu riêng của mình. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam cung cấp

Liên kết góp phần đẩy nhanh sự phát triển của ngành xuất bản

Mai Hương LDO | 26/09/2023 18:49

Nhiều đơn vị nhà xuất bản đã đưa ra những ý kiến đóng góp để tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết xuất bản.

Tại Hội thảo "Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất bản" do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức vào chiều 26.9, các đơn vị nhà xuất bản đã đưa ra những ý kiến đóng góp để tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết xuất bản.

Chủ trương liên kết xuất bản là đúng đắn

Theo bà Ngô Thu Phương - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Văn học, đối với NXB Văn học, trong nhiều năm trở lại đây, sách liên kết chiếm một khối lượng lớn trên tổng số đầu sách xuất bản hàng năm của Nhà xuất bản, dao động từ 60-70%. Đã có rất nhiều những tác phẩm văn học có giá trị về nội dung và nghệ thuật được xuất bản thông qua hình thức liên kết.

Với một số lượng đầu sách liên kết hàng năm nhiều như vậy, việc chú trọng vào công tác thẩm định, biên tập, quản lý, phân cấp trách nhiệm và đặc biệt là sự phối kết hợp chặt chẽ với các đối tác liên kết luôn được NXB Văn học đặt lên hàng đầu.

Trong khi đó, bà Ngô Thị Thu Ngần – Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam cho biết, khác với phần lớn các nhà xuất bản khác trước cơ chế cạnh tranh khốc liệt hầu hết chỉ còn hoạt động bằng việc cấp giấy phép liên kết xuất bản, NXB Phụ nữ Việt Nam kiên định xây dựng thương hiệu riêng của mình với một hệ đề tài tự in phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng độc giả chính là phụ nữ, gia đình, trẻ em và đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước.

Một cuốn sách của NXB Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam cung cấp

Theo đại diện NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, thực tế hoạt động liên kết xuất bản nói chung và thực tế ở NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, trong gần 20 năm qua cho thấy, chủ trương liên kết xuất bản là đúng đắn, đã góp phần thúc đẩy xã hội hóa ngành xuất bản nói riêng và sự phát triển của toàn ngành nói chung.

Hoạt động liên kết với các đơn vị tư nhân, bên cạnh câu chuyện nguồn thu, đã mang đến những hiệu quả tích cực đối với đơn vị. Trước tiên, sự xuất hiện của logo nhà xuất bản trên mỗi ấn phẩm là một cơ hội để quảng bá thương hiệu của đơn vị, trong đó có việc quảng bá ở những mảng sách mà trước đây, đơn vị ít quan tâm đầu tư.

Những kết quả đáng ghi nhận

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, liên kết xuất bản đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển của hoạt động xuất bản cả về tốc độ, quy mô, số lượng và chất lượng, thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Nếu năm 2004, cả nước mới xuất bản được khoảng 24 nghìn đầu sách, 250 triệu bản sách thì đến năm 2022, toàn ngành đã xuất bản được trên 38 nghìn đầu xuất bản phẩm, trong đó có trên 32 nghìn đầu sách với trên 598 triệu bản xuất bản phẩm trong đó có 530 triệu bản sách.

"Chất lượng xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực, nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, hình thức sinh động, hấp dẫn với nhiều loại hình, cả sách in truyền thống và điện tử, đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương, góp phần khẳng định vị trí quan trọng của hoạt động xuất bản trong đời sống xã hội" – ông Nguyễn Nguyên cho biết.

Hội thảo “Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất bản” do Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức. Ảnh: Quang Minh

Tại hội thảo, đại diện các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm cũng đã có nhiều phát biểu thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế cần khắc phục.

Từ đó, đề xuất những biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ quy trình xuất bản, quy trình liên kết xuất bản bảo đảm chất lượng xuất bản phẩm, đẩy lùi vấn nạn sách nhảm nhí, vô bổ…

Bên cạnh đó, kiến nghị các giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của các nhà xuất bản và đối tác liên kết trên tinh thần hợp tác cùng có lợi, vừa bảo đảm được vị thế của nhà xuất bản, vừa khai thác tối đa thế mạnh về vốn, công nghệ, thị trường, về khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của các đơn vị liên kết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn