MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lớp truyền dạy nghề chế tác Khèn Mông ở Điện Biên.

Lo mai một di sản, Điện Biên mở lớp chế tác khèn Mông, thu hút 15 học viên trẻ

THÀNH CHƯƠNG - VĂN XÔM LDO | 22/10/2023 09:01

Tỉnh Điện Biên có 18 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, do vậy việc bảo tồn và phát huy các giá trị to lớn ấy là vô cùng quan trọng. Lớp truyền dạy nghề chế tác khèn Mông là một trong những hoạt động như vậy.

Tỉnh Điện Biên có nền văn hóa vô cùng phong phú với sự đa dạng của 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa đặc trưng. Do vậy, đến nay, toàn tỉnh đã có 18 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, trong đó có Nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông.

Có thể thấy, một nền văn hóa phong phú như vậy là lợi thế rất lớn để bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch văn hóa. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, những năm qua, nhiều nét văn hóa truyền thống đã bị mai một, vì vậy việc chú trọng bảo tồn, trao truyền các nghề truyền thống là vô cùng quan trọng.

Một chiếc Khèn Mông mới được chế tác. Ảnh: Thanh Bình

Vừa qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Điện Biên đã phối hợp với UBND huyện Tủa Chùa mở lớp truyền dạy chế tác khèn Mông cho 15 học viên đại diện cho thế hệ trẻ hiện đang sinh sống trên địa bàn với sự hướng dẫn trực tiếp của các nghệ nhân chế tác khèn Mông.

Qua lớp tập huấn, các thanh niên dân tộc Mông đã được truyền dạy quy trình kỹ thuật chế tác khèn của dân tộc Mông. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống gắn với nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Mông.

This browser does not support the video element.

Các học viên tham gia lớp truyền dạy chế tác Khèn Mông.

Theo ông Đặng Trọng Hà - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Điện Biên - Trưởng ban Tổ chức lớp truyền dạy chế tác Khèn Mông, việc gìn giữ văn hóa khèn Mông đồng nghĩa với việc gìn giữ văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Mông - điều này là vô cùng quan trọng để di sản được "sống" trong cộng đồng chứ không phải chỉ nằm ở các nghệ nhân.

"Để làm được điều này, việc mở các lớp truyền dạy nghề chế tác khèn nhằm giúp các thế hệ trẻ nắm vững quy trình kỹ thuật chế tác khèn của dân tộc mình khi thế hệ các nghệ nhân ngày càng lớn tuổi” - ông Hà nói.

Những dụng cụ và nguyên liệu để chế tác ra một chiếc Khèn Mông. Ảnh: Thanh Bình

Ông Thào A Khày - Chủ tịch UBND xã Sính Phình thì cho biết: "Việc mở lớp truyền dạy nghề chế tác khèn của dân tộc Mông tại xã Sính phình đã giúp cho thế hệ trẻ người Mông của xã nắm được quy trình, kỹ năng chế tác khèn cũng như bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình".

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nghề chế tác khèn của dân tộc Mông, các học viên tham gia đều rất nhiệt tình, hào hứng học hỏi từ những bí quyết chọn nguyên liệu, làm các bộ phận cấu thành 1 cây khèn, như: thân, ống, đai hay cách làm "lưỡi gà"... để làm ra một chiếc khèn hoàn chỉnh.

Tất cả các công đoạn chế tác ra một chiếc khèn đều được làm thủ công và đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Ảnh: Thanh Bình

Anh Giàng A Lử - học viên tham gia lớp truyền dạy chế tác khèn - cho biết: “Thông qua lớp truyền dạy, chúng tôi đã nắm được các bước cơ bản để chế tác khèn. Sau khi kết thúc lớp học, tôi mong muốn có thể dùng những kiến thức, kinh nghiệm đã học được để chế tác ra những chiếc khèn mang đúng giá trị truyền thống và sau này truyền lại cho các thế hệ sau”.

Có thể thấy, để tạo ra các chiếc khèn hoàn chỉnh mang giá trị nghệ thuật truyền thống thì không phải chỉ qua một lớp tập huấn là có thể làm được. Tuy nhiên, đây chính là cơ hội, là môi trường thuận lợi cho thế hệ trẻ tiếp cận với di sản và làm cho di sản có được sức sống trong cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn