MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gameshow truyền hình nở rộn khiến khán giả "bội thực".

Lỗ thủng văn hóa

Hà Quang Minh LDO | 04/03/2017 09:00
Trong trào lưu các chương trình game show hài và ca hát nảy nở đến bội thực như ngày hôm nay, một câu chuyện cho mỗi tập để báo chí có thể kéo dư luận vào bàn tán có lẽ là thứ mà BTC luôn muốn tạo ra nhất. 

Đơn giản, những câu chuyện ấy sẽ giúp chương trình tăng rating đột ngột, lượt xem trên kênh Youtube cũng được đẩy lên và giúp nhà sản xuất tối đa hóa doanh thu. Và ngay trong những ngày khởi đầu mùa game show mới (bắt đầu từ sau Tết), câu chuyện Hồ Hoài Anh tuyên bố “không Bolero” trong “The Voice” nhưng ngay sau đó chấp nhận xuất hiện “Thành phố buồn” ở ngay những số đầu tiên đã bị lu mờ bởi câu chuyện Thái Châu mắng cháu gái của mình (Hà My, là một thí sinh) trong số đầu của “Tình Bolero hoan ca”. Đơn giản, câu chuyện của Thái Châu và Hà My thật hơn, dễ gần hơn.

Đại ý, Thái Châu trong phần nhận xét phần thi của Hà My, đã chỉnh Hà My phải gọi Thanh Tuyền bằng “cô” chứ không được gọi bằng “chị” và xin BTC cho cây roi cũng như xin phép khán giả để dạy cháu mình vì đã quá mải chơi mà không tận dụng tốt mọi lợi thế nghề nghiệp đã có. Sau phần mắng mỏ ấy là một phóng sự nói về Hà My, với những vất vả cũng như những tháng ngày ăn chơi trong quá khứ.

Việc cậu dạy cháu hư là chuyện rất thường tình và nếu nó thể hiện chân thật trên sóng truyền hình, điều đó cũng có những ý nghĩa tích cực nhất định. Song, câu chuyện ấy lại khiến chúng ta phải đặt một câu hỏi, nhất là khi Hà My có ý trách cứ cậu của mình nhiều năm không quan tâm tới cháu. Đó là “Phải chăng câu chuyện gia đình đang được mang ra diễn để nhằm câu kéo sự thu hút của khán giả?”.

Chưa trả lời câu hỏi ấy vội, chúng ta hãy chuyển qua một chương trình khác, để nhận thấy dấu vết rõ hơn của việc bán chuyện nhà thành chuyện công cộng. Đó là chuyện Chế Linh đính chính về số con của mình để không muốn làm cho “những đứa con phải buồn”. Kèm theo đó là việc xuất hiện nội dung con gái Chế Linh lên khóc lóc kể về quá khứ cay đắng không có sự quan tâm của cha. Hai câu chuyện đó xuất hiện không hề ngẫu nhiên bởi Chế Linh trở về lần này để chuẩn bị cho vài show diễn và việc quảng bá, truyền thông cho show diễn lại rất cần những câu chuyện “rởm đời” như thế.

Soi chiếu lại, cũng chỉ vài ngày trước đó, Mỹ Tâm bị một người tên Vũ Xuân Hùng lên tiếng phản đối yêu cầu không cho cô hát “nhạc của tôi” chỉ vì chưa xin phép. Nhưng điều trớ trêu là ông Vũ Xuân Hùng nọ không phải một nhạc sĩ mà chỉ đơn thuần là người dịch lời một số ca khúc nhạc ngoại, đa số là nhạc Pháp, sang tiếng Việt. Mỹ Tâm hành xử rất khôn ngoan khi lên tiếng công khai xin lỗi, nhận rằng mình “rất sai” và mời một nhạc sĩ trẻ khác, một nhạc sĩ đúng nghĩa (Châu Đăng Khoa) đặt phần lời Việt mới sau khi đã mua bản quyền khai thác nhạc. Thế là hết rách việc.

Như vậy, chỉ trong một tuần, nhìn vào những sự kiện liên tiếp kia, chúng ta nhận ra rằng giới giải trí, giới làm văn hóa quá lắm chuyện và kinh khủng hơn là họ sẵn sàng bán câu chuyện ấy một cách có chủ đích để cầu danh, nhất là khi câu chuyện có gắn đến yếu tố “gia đình thương tâm” hay dính dáng đến một người nổi tiếng (như Mỹ Tâm) để nhờ tên tuổi người ấy mà mình được biết đến.

Và để kết lại cho một tuần đầy biến động (như những tuần bình thường), không thể không nhắc tới hình ảnh một ông Võ Thành Nhiệm, chủ tịch CLB bóng đá Long An, quá “manh động” với trọng tài và dẫn tới cả đội bóng của ông không thèm đá đồng thời thủ môn chổng mông vào đối thủ đang chuẩn bị đá 11m. Đó là cú chổng mông “vĩ đại” nhất đại diện cho mặt bằng văn hóa xã hội Việt Nam hôm nay. Nó không chỉ là sự coi thường chính nghề nghiệp của mình, không chỉ coi thường chính bản thân mình, không chỉ coi thường cả một hệ thống vận hành bóng đá mà còn coi thường cả những khán giả đang theo dõi trận đấu trên sân cũng như qua truyền hình. Đó là cú chổng mông chứng tỏ rằng ở mọi ngành, mọi nghề, mọi tầng lớp xã hội Việt hôm nay đều tồn tại một lỗ thủng toang hoác về văn hóa, một lỗ thủng muốn hàn gắn nó phải mất vài thế hệ.

Buồn hơn cả là những câu chuyện kiểu hổ lốn như trên ta có thể thống kê lại mỗi tuần, với hình thái tương đồng, chỉ có con người là khác, như một sự luân phiên nhau chọc thủng tầng văn hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn