MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngành nghề thủ công truyền thống ở Hội An đã thành sản phẩm du lịch độc đáo, mang lại nhiều giá trị kinh tế lẫn văn hóa. Ảnh: Thanh Chung

Lý do nghề thủ công và nghệ thuật dân gian phát đạt ở Hội An

Thanh Hải LDO | 10/02/2024 17:30

Ngành nghề Thủ công và Nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội, được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian dài.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, ông Nguyễn Văn Lanh, Hội An hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi, như nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da... Trong đó có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia và 2 làng nghề khác đang làm hồ sơ đề nghị công nhận.

Hệ sinh thái các làng nghề, cộng đồng làng nghề cùng các tập quán, sinh hoạt, tín ngưỡng lâu đời của cư dân địa phương đã góp phần truyền cảm hứng, hình thành và nuôi dưỡng sự phong phú và đa dạng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như hát bả trạo, hò khoan, hô hát bài chòi, thơ ca, hò vè, nghệ thuật hát Bội, múa nghi lễ, tạo hình dân gian… phản ánh chân thực, sinh động những đặc điểm văn hóa - xã hội của vùng đất và trở thành một phần thiết yếu trong đời sống tinh thần của người dân Hội An. Trong đó, nổi bật nhất là Nghệ thuật Bài Chòi - đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.

Tuy vậy, các làng nghề thủ công mỹ nghệ, truyền thống của Hội An không phải là sản phẩm riêng có, khác biệt. Thậm chí các nghề như may mặc, gốm, gỗ, mây tre... gần như đều có mặt ở khắp các làng quê, xã phường của Việt Nam. Chỉ có điều, các nghề thủ công mỹ nghệ ở nhiều nơi đã không thể tự thân sống được. Hoặc bị mai một, bị xé lẻ, manh mún, hoặc duy trì chỉ vì truyền thống, sự yêu quý của gia đình, một xóm làng nhỏ mà không hề có lợi nhuận...

Ngược lại, người dân ở các làng nghề thủ công mỹ nghệ của Hội An lại sống tốt, làm giàu từ sản phẩm truyền thống này. Đông đảo cư dân Hội An tham gia vào các hoạt động thủ công và nghệ thuật dân gian một cách chính thức hoặc không chính thức gồm các nhóm lao động tự do và sản xuất, kinh doanh thủ công; nhóm các nghệ sĩ, nghệ nhân, cá nhân thuộc các hiệp hội nghề nghiệp, điều hành các xưởng thủ công sáng tạo. Nhóm còn lại gồm các doanh nghiệp và nhà kinh doanh trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Thống kê của UBND Thành phố Hội An, hiện địa phương có 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4.000 lao động trực tiếp có thu nhập trung bình 3.500-4.000 USD mỗi năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian. Đây thực sự là những con số ấn tượng, đặc biệt là giá trị làm ra từ những ngành nghề truyền thống của cha ông từ ngàn năm nay.

Đó chính là lý do mà Ban thư ký Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã xác nhận Hội An là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn