MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gà cúng là lễ vật thường xuất hiện trong mâm cúng tất niên. Ảnh: Việt Văn

Mâm cúng tất niên của người Việt Nam khắp ba miền

LÝ VIẾT TRƯỜNG LDO | 16/01/2023 06:15
Trong ngày tết Nguyên đán của người Việt, mâm cỗ cúng tất niên được mọi gia đình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với mong muốn bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên để được ông bà phù hộ cho năm mới mạnh khỏe và thành công.

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung cho rằng, theo phong tục cổ truyền của người Việt thì sửa soạn được mâm cỗ Tết, trước là để dâng cúng tổ tiên, sau là để cho cả nhà đoàn tụ chung hưởng, ấy là điều vô cùng hệ trọng và thiêng liêng.

Để có được mâm cỗ tất niên thịnh soạn và đủ đầy, người ta phải chuẩn bị hàng mấy tháng trước ngày Tết. Ông Nguyễn Văn Bốn (54 tuổi, Bắc Ninh) cho biết, ngày xưa từ giữa năm, các gia đình đã tính đến việc nuôi gà cho Tết, rồi từ tháng Chạp bắt đầu nhốt gà để vỗ béo. Đến ngày 25, 26 tháng Chạp, khắp ngõ xóm đâu đâu cũng nghe tiếng mổ lợn, mọi người đụng lợn để ăn Tết.

Mâm cỗ tất niên được chuẩn bị từ ngày 29, 30 tháng Chạp. Các chị, các mẹ lo gói bánh chưng, cuốn nem…; các cha các chú chuẩn bị thịt lợn, thịt gà, làm giò, chả, thịt đông, thịt muối…

Ông Bốn cho hay, để có được mâm cúng đủ đầy và thịnh soạn cúng tất niên, các thành viên trong gia đình phải chuẩn bị vô cùng tỉ mẩn. Gia đình ông năm nào cũng vậy, ngày 30 mọi người dậy thật sớm, mỗi người một việc, đến chiều ai nấy cũng mệt lả nhưng mà vui.

Mâm cỗ Tết ba miền

Theo phong tục, mâm cỗ tất niên phải được chuẩn bị kỹ lưỡng với những món không thể thiếu là thịt gà, thịt lợn, giò, chả quế, xôi gấc, bánh chưng, thịt chân giò hầm măng, miến nấu lòng gà, bát bóng thẻ, mọc nấm thả, canh, dưa muối, nem...

Mâm cỗ tất niên ở miền Trung về cơ bản cũng giống với miền Bắc, nhưng nhiều địa phương có thêm gà bóp rau răm, bánh mật, bánh phồng tôm, chả Huế, đĩa cá chiên, rau xào…

Ở miền Nam bởi đặc điểm thời tiết nóng, vậy nên mâm cúng tất niên có phần khác với người miền Bắc và miền Trung. Cỗ cúng bao gồm bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, thịt lợn luộc, nem, giò chả, củ cải ngâm nước mắm, dưa giá, củ kiệu…

Mâm cỗ cúng tất niên của các dân tộc

Dân tộc Thái đông, sinh sống chủ yếu ở khu vực Tây Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An. Người Thái coi trọng Tết Nguyên đán, cỗ tất niên cũng được chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng với các món như xôi, cá đồ, cá chua, thịt gà, măng khô nấu xương, rượu, vàng mã… và không thể thiếu bánh chưng.

Mâm cỗ tất niên của người Tày, Nùng vùng miền núi phía Đông Bắc cũng luôn được chuẩn bị đủ đầy, với những món không thể thiếu như thịt gà trống thiến, thịt muối, thịt lợn xào, lạp sườn, thịt vịt, bánh chưng, bánh khảo, bánh khẩu sli, rượu, vàng mã… Trong quan niệm của người Tày, Nùng, con vịt trên mâm cúng tất niên có ý nghĩa tẩy đi những điềm xui của năm cũ, để chuẩn bị đón một năm mới với thật nhiều niềm vui, hạnh phúc và may mắn.

Với người Dao, Tết Nguyên đán cũng là một dịp hệ trọng. Vậy nên, mâm cúng tất niên cũng được chuẩn bị với nhiều món ăn như thịt lợn, thịt gà, bánh chưng, bánh dày và bánh nếp, rượu và vàng mã…

Người Sán Dìu cúng tất niên với những món đặc trưng là thịt gà, thịt lợn luộc, bánh chưng, bánh con, chè, rượu, vàng mã…

Người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh cúng tất niên với những món đặc trưng là thịt gà, thịt lợn, tôm, lạp sườn, lạp dục, rau xào, đậu phụ, dưa hành, rượu, vàng mã…

Như vậy, ngày Tết Nguyên đán với các dân tộc Việt Nam luôn là dịp trọng đại, mọi gia đình đều có gắng chuẩn bị mâm cúng với đầy đủ những món ăn cổ truyền. Người ta chuẩn bị mâm cúng với tấm lòng thành kính, vừa để dâng lên tổ tiên vừa để gia đình thưởng thức. Chính bởi những ý nghĩa như vậy, nên mâm cỗ tất niên cùng với không khí chuẩn bị đã đi vào trong ký ức của mọi người Việt, để mỗi khi đi xa đến dịp cuối năm lại mong muốn được quay về nhà đoàn viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn