MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội An mở cửa đón khách du lịch trở lại và đã thu được nhiều kết quả khả quan trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Ảnh: V.T

Miền Trung quyết tâm mở cửa đón du khách

Tường Minh - Thanh Chung  LDO | 19/02/2022 10:17

Các địa phương trọng điểm du lịch miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam quyết tâm mở cửa đón khách du lịch để giải quyết công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người dân.

Mọi thứ đã sẵn sàng

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho hay, từ đầu tháng 11.2021, tỉnh Quảng Nam đã mở cửa đón khách du lịch trở lại, nên các điều kiện để đón du khách trong và ngoài nước đã sẵn sàng. Hiện nay, có ít nhất 30 khách sạn trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đón khách quốc tế.

Quảng Nam cũng là 1 trong 5 địa phương được Chính phủ chọn mở cửa đón khách quốc tế thí điểm nên mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Tại các điểm du lịch Nhà nước quản lý như Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn cũng đã mở cửa trở lại và trong thời gian Tết vừa qua cho tín hiệu rất tích cực.

“Sắp đến ngày 15.3, Chính phủ cho phép mở cửa đón khách quốc tế trở lại trên phạm vi toàn quốc sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các địa phương bởi thực tế, chương trình mở cửa thí đã triển khai từ tháng 11.2021 tuy đạt một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn chậm”, ông Tường nói.

Cũng theo ông Tường, hiện nay, Quảng Nam đang chuẩn bị các hoạt động về “Năm du lịch Quốc gia - Quảng Nam điểm đến du lịch xanh”. Đây cũng là một trong yếu tố quan trọng để Quảng Nam phục hồi và phát triển du lịch mạnh mẽ hơn.

Tại Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết: Dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 trong 2 năm qua, tuy nhiên Đà Nẵng vẫn là điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất Việt Nam tại các thị trường lớn. Sắp tới, Hiệp hội Du lịch sẽ công bố 4 nhóm sản phẩm trọng điểm để kích cầu du lịch khi mở cửa đón khách. Các nhóm sản phẩm tập trung giảm giá sâu, tăng chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm tiện ích cho du khách. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị lần mở cửa này phải có sự quyết liệt của hệ thống chính trị, những công bố mạnh mẽ, chủ động trong kiểm soát dịch bệnh. Hiện du khách còn sự chần chừ, có tâm lý ngại khi đến Đà Nẵng.

“Thực tiễn cho thấy, trong bối cảnh khó khăn, vai trò của cơ quan nhà nước, địa phương hết sức quan trọng. Nơi nào có chính quyền địa phương quan tâm thì du lịch địa phương sẽ nhanh chóng quay lại. Vì vậy, Đà Nẵng phải có tuyên bố rõ ràng cho doanh nghiệp yên tâm mở cửa trở lại, thu hút các thị trường lớn. Đừng để mở lại rồi dừng sẽ thiệt hại cho doanh nghiệp nhiều hơn”, ông Dũng nói.

Thay đổi biện pháp phòng chống dịch

Tại cuộc làm việc với Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng mới đây, bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng cho biết: Để phục vụ mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội địa phương mà nhất là ngành du lịch, Sở Y tế đã tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng thay đổi biện pháp phòng chống dịch theo hướng “không hạn chế đi lại của người dân, không cấm hoạt động các cơ sở dịch vụ du lịch như karaoke, massage, bar... kể cả vùng dịch cấp 4”.

Thay vào đó, Sở Y tế giao trách nhiệm cho địa phương chủ động đề xuất giải pháp phòng chống dịch phù hợp khi mở cửa hoạt động các dịch vụ với điều kiện vaccine, quản lý nhân viên, đào tạo phòng chống dịch... Đồng thời, Sở Y tế sẽ xây dựng cụ thể kịch bản phòng chống dịch phù hợp với từng loại hình hoạt động như ở quán bar, vũ trường, karaoke, massage... Ngoài ra, để tạo thuận lợi đón khách quốc tế, Sở Y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tiêm chủng triệt để cho lực lượng lao động ngành du lịch.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng khẳng định, du lịch vẫn là thế mạnh và ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Dù đóng góp vào ngân sách không cao nhưng hoạt động du lịch đóng góp lớn vào tăng trưởng, tạo sản phẩm xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập bình quân đầu người...

Theo ông Lê Trung Chinh, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành mới có thể tổ chức thực hiện hiệu quả. Vì vậy, UBND thành phố Đà Nẵng cần xem xét xây dựng quy chế phối hợp với đơn vị, đa ngành để có sự ràng buộc, thuận lợi khi kiểm điểm, đánh giá các hoạt động. Trong đó, nhấn mạnh phối hợp kiểm soát dịch bệnh - điều kiện hàng đầu; phối hợp tạo ra các điều kiện thuận lợi về hạ tầng, nguồn nhân lực.

Ngoài ra, thái độ phục vụ, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... của công an, nhân viên du lịch, môi trường góp phần tạo ra hình ảnh tốt, tác động trực tiếp để thu hút khách trở lại.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị ngành Y tế tham mưu cho UBND TP.Đà Nẵng công bố cấp độ dịch để tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp du lịch khi đón khách, du khách an tâm khi đến Đà Nẵng. Quan trọng hơn hết, các đơn vị, doanh nghiệp ứng xử với các trường hợp mắc COVID-19 khi xảy ra và mức độ áp dụng các biện pháp quản lý hành chính. Đồng thời để tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Đà Nẵng và miền Trung, ông Quảng cũng đề nghị Công an Đà Nẵng tham mưu đề xuất Cục Quản lý xuất nhập cảnh ủy quyền cho Đà Nẵng được thực hiện thủ tục cấp visa, thị thực cho du khách tại khu vực miền Trung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn