MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà văn Minh Chuyên. Ảnh: TG.

Minh Chuyên: Nhà văn trưởng thành từ chiến trường

Tùng Giang LDO | 27/07/2019 08:00

"Trong một lần tham gia hành quân tại chiến khu, chúng tôi đi lạc vào quả đồi mà lính Mỹ nằm ngổn ngang, chỉ một tiếng động nhỏ bị phát hiện, có thể cả trăm người sẽ phải bỏ mạng dưới họng súng của kẻ thù. Ở chiến trường khốc liệt, dường như không tồn tại ranh giới giữa sự sống và cái chết".

Đó là một kỷ niệm nhỏ trong ký ức đầy máu và nước mắt của chiến tranh mà nhà văn Minh Chuyên trải qua. Nhà văn Minh Chuyên sinh năm 1948 tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông được biết đến là tác giả, người sở hữu hơn 300 tác phẩm (bao gồm bút ký, tiểu thuyết, kịch bản văn học, phim tài liệu) về thời hậu chiến. Ông cũng được coi là một người lính trong thời bình bởi những trang bút ký thấm đẫm sự thật.

Cầm bút trong lửa đạn

Trước khi về công tác tại báo Thái Bình, nhà văn Minh Chuyên có 10 năm cầm súng tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Nói về quãng thời gian này, ông chia sẻ mình vào chiến trường từ năm 1967, ông chứng kiến nhiều câu chuyện, hình ảnh đau thương, qua đó ông ghi chép lại thông qua chuyện ngắn và bút ký, rồi gửi giao liên đến Đài tiếng nói Việt Nam đọc trong chuyên mục Chuyện đêm khuya. Cứ như thế, các tác phẩm: Lá thư mật, Đường qua dốc đỏ, Sau một trận đánh, Người chọn cái chết... lần lượt ra đời ngay giữa chiến trường khói lửa.

Khi được hỏi về câu chuyện "đi lạc vào đồn địch" ngày ấy, nhà văn Minh Chuyên nói, đời lính của ông đã thoát chết trong gang tấc nhiều lần.

"Một âm thanh nhỏ bị phát hiện cũng sẽ khiến cả đoàn gặp nguy hiểm. Trong đoàn có một bà mẹ trẻ ẵm theo đứa con nhỏ bị ốm nên đứa bé khóc nhiều, và ai trải qua thời khắc khó khăn, buộc phải lựa chọn đó mới hiểu thấu chiến tranh thực sự khốc liệt", nhà văn Minh Chuyên nói.

Những tác phẩm của nhà văn minh chuyên. Ảnh: TG

Trong một lần may mắn sống sót, "người lính trẻ" Minh Chuyên nhận nhiệm vụ đưa thương binh từ trận địa về trung tâm điều trị tại chiến trường. Chiếc xe tải đi qua vùng máy bay bắn phá liên tục. Trên xe có 8 thương binh, một người không thể ngồi vững do đôi chân không còn vì bom phá, và ra hiệu đổi chỗ cho ông. Lúc này, máy bay địch lao xuống nhả đạn đúng vị trí người đồng đội được ông nhường chỗ, nó trở thành ký ức, định mệnh ám ảnh ông suốt tháng ngày về sau.

Người lính thời bình và nghĩa tình đồng đội

Ông cũng cho biết, trong chiến trường, một trận đáng mất khoảng một phần tư quân số hi sinh và bị thương. Đánh 4 đến 5 trận sẽ hết một đơn vị. Cuộc đời người lính có rất nhiều trận đánh, ai sống sót trở về là điều vô cùng may mắn.

"Tôi ghi lại những hình ảnh đó, là những con người sống bên mình, hôm nay cùng chiến đấu, nhưng ngày mai đã hi sinh. Ở chiến trường, họ vô cùng thiệt thòi, gian khổ. Có nhiều trường hợp hậu quả chiến tranh vẫn đeo bám họ đến tận bây giờ".

Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, nhưng nhà văn Minh Chuyên vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình đầy tâm huyết như cách ông kể tườm tận mọi ký ức. Hơn 40 năm cầm bút, viết báo, làm phim với đề tài thời hậu chiến, ông đã cho ra đời các tác phẩm tiêu biểu như: "Người liệt sĩ có nửa linh hồn", "Sau tiếng súng", "Thủ tục làm người còn sống", "Người lang thang không cô đơn"... được khắc họa chân thực, là các nét vẽ tiêu biểu trong tổng thể bức di họa về thời kỳ binh lửa,. 

Với ông, đó là thông điệp để ghi nhớ sự hi sinh mất mát của đồng đội trong công cuộc tạo dựng và gìn giữ đất nước. Ông khẳng định vẫn sẽ tiếp tục viết cho các số phận thiệt thòi, vì hạnh phúc, yên bình vẫn còn lỡ hẹn với họ, vì trăn trở những kỷ niệm khó quên về một thời kỳ hào hùng của dân tộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn