MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Festival hoa Đà Lạt năm 2022. Ảnh: Đức Thiệm

Mô hình quản lý, tổ chức lễ hội hiệu quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Mai Hương LDO | 01/10/2023 18:10

Hoạt động lễ hội tại Lâm Đồng đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Tại Lâm Đồng, đại đa số lễ hội gắn với di tích của đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua việc tổ chức lễ hội hàng năm là cơ sở để bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Báo cáo công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2023, kế hoạch năm 2024 và triển khai "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng nêu rõ: Về mô hình quản lý, tổ chức lễ hội hiệu quả, các lễ hội truyền thống được tổ chức trọng thể gắn với các di tích lịch sử.

Cùng với lễ hội các loại hình văn hóa dân gian được tổ chức rộng rãi như: Lễ hội Lòng Tòng của người Tày, Nùng (ở huyện Cát Tiên); Cồng Chiêng của các dân tộc K’ho gốc Lâm Đồng; ném còn của người dân tộc Thái (ở huyện Đức Trọng, Lâm Hà...)....

Nhiều tiểu cảnh tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) được trang trí hấp dẫn trong dịp Festival hoa năm 2022. Ảnh: Đức Thiệm

Về lễ hội văn hóa, Lâm Đồng có Festival Hoa Đà Lạt, được tổ chức định kỳ 2 năm/1 lần nhằm quảng bá và tôn vinh các ngành nghề đặc trưng, thế mạnh của tỉnh, thương hiệu nông sản của địa phương như hoa, rau, trà, cà phê… là sự kiện văn hóa, xã hội, du lịch của tỉnh nhằm quảng bá thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng và phát huy giá trị các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh.

Ngoài ra, hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức luân phiên ở các huyện, thành phố Ngày hội Văn hóa - Thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, khẳng định giá trị di sản văn hóa Cồng chiêng trong đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội.

Thực hiện việc kiểm kê, phân loại lễ hội; đầu tư kinh phí để nghiên cứu khoa học các di sản văn hóa lễ hội nhất là các lễ hội truyền thống nhằm khôi phục các giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn