MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế - và hiện vật mũ quan đại thần triều Nguyễn. Ảnh: TM

Mũ quan triều Nguyễn: Cần cơ chế thoả đáng để hồi hương cổ vật

Tường Minh LDO | 19/04/2022 06:47

Việc một doanh nghiệp đấu giá thành công hai hiện vật Mũ quan đại thần triều Nguyễn và áo Nhật bình để hiến tặng cho tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thấy chúng ta cần sớm nghiên cứu, ban hành những cơ chế chính sách thỏa đáng để các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, hiến tặng cổ vật cho Nhà nước.

Huế tiên phong...

Ngày 17.4, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức tiếp nhận cổ vật đấu giá thành công ở nước ngoài do Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine hiến tặng và thực hiện gồm: Mũ quan đại thần và Áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Theo TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế thì sự kiện hai cổ vật quý hiếm của triều Nguyễn “trở về” với cố đô Huế có ý nghĩa rất đặc biệt, mở ra một hướng đi mới cho công cuộc hồi hương các cổ vật quý của Việt Nam mà nhiều lý do khác nhau đã bị thất tán ra nước ngoài. “Hành động quyết liệt tham gia đấu giá cổ vật của Tập đoàn Sunshine và sau đó hiến tặng cho cố đô Huế rất cần được Nhà nước biểu dương. Nhưng còn hơn thế, thông qua sự kiện này chúng ta cần sớm nghiên cứu, ban hành những cơ chế chính sách thỏa đáng để các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia vào công tác tìm kiếm, đấu giá và hiến tặng cổ vật cho Nhà nước”, ông Hải nói.

Cũng theo TS Phan Thanh Hải, Thừa Thiên - Huế là địa phương đầu tiên tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài cách đây hàng chục năm, có cả thất bại và thành công (ví dụ điển hình là thất bại trong vụ đấu giá bức tranh “Chiều tà” của Vua Hàm Nghi vào năm 2010; thành công trong vụ đấu giá chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh vào năm 2014), nhưng đã “mở đường” cho công cuộc hồi hương cổ vật, để lại nhiều kinh nghiệm quý cho cả nước. Trong vụ đấu giá hai cổ vật quý của triều Nguyễn lần này, mặc dù không trực tiếp tham gia nhưng lãnh đạo tỉnh, thông qua các mối quan hệ đã tác động, thuyết phục thành công DN tham gia đấu giá với quyết tâm rất cao, và đã giành chiến thắng.

Chính sách linh hoạt của Nhật Bản, Hàn Quốc...

Theo TS Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, hiện các nước lân cận Việt Nam chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc... đã thực hiện thành công việc “hồi hương” cổ vật bằng nhiều chính sách linh hoạt và hữu dụng. Cụ thể, họ áp dụng thuế suất nhập khẩu bằng 0% và đơn giản hoá thủ tục nhập khẩu đối với tất cả vật phẩm văn hoá, lịch sử, mỹ thuật… có niên đại hơn 100 năm. Nhờ vậy, không chỉ các cổ vật đã “châu về hợp phố” sau nhiều năm lưu lạc mà nhiều di sản văn hoá của các quốc gia khác cũng tìm về với hai nước này.

Đặc biệt, họ cử chuyên gia đi khắp thế giới để nghiên cứu, thống kê, lập hồ sơ khoa học cho những cổ vật của đất nước, đặc biệt là bảo vật quốc gia đang lưu lạc ở nước ngoài và in thành vựng tập. Sau đó, mời các nhà sưu tập, các bảo tàng nước ngoài đang sở hữu những món cổ vật đó đưa chúng về trong nước trưng bày, triển lãm với quan điểm “chưa thể đưa về hẳn thì tạm thời đưa về để công chúng trong nước được tận mắt chiêm ngưỡng những bảo vật quốc gia đang lưu lạc”. Thương lượng để trao đổi hoặc mua lại những món cổ vật này cho các bảo tàng hoặc các nhà sưu tập tư nhân trong nước. Vận động những người giàu bỏ tiền mua những món cổ vật này để giữ chúng lại và nếu được thì tặng cho các bảo tàng công lập. 

Áo mão mang ấn tích lịch sử và có ý nghĩa về văn hóa

Nhìn lại lịch sử, dưới triều Nguyễn, áo mão là một phần trọng yếu của “chế độ Y quan và Lễ nhạc” vốn hình thành và phát triển từ thời Chu (Trung Quốc) là điển lệ hành chính phải tuân thủ. Áo mão thể hiện tính tôn ti, thứ bậc của quan lại  cũng là tôn ti, trật tự xã hội. Tính quy phạm mang định chế ấy thể hiện rõ quan điểm chính trị của một triều đại. Một bài thơ trên điện Thái Hòa đã bài ghi nhận về tính chất này: “Võ yển văn tu hội/ Hà thanh hải yến thì/ Y quan Chu chế độ/ Lễ nhạc Hán uy nghi”. Tạm dịch: “Chỉnh lại văn, ngưng võ/ Lúc sóng lặng biển yên/ Áo mão Chu chế độ/ Lễ nhạc Hán uy nghiêm”.

Vào năm Vĩnh Bình  thứ 2, thời Đông Hán (TQ), Hán Minh Đế dựa theo tư tưởng truyền thống của Nho gia, chính thức chế định ra chế độ y quan (áo mão). Chế độ y quan bấy giờ gồm tế phục và triều phục, cụ thể như: Quan miện, y thường, hài lí, bội thụ… Mỗi loại đều có sự phân biệt đẳng cấp, phản ánh tôn ti, trật tự. Đây là sự khởi đầu chế độ y quan trong học thuyết Nho giáo được thực hiện và kế thừa qua nhiều thế hệ.

Chế độ y quan thời Nguyễn, qua bài thơ trên được so sánh như các triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa là một cách để đề cao, thể hiện tự tôn dân tộc. Do vậy, chiếc Mũ quan đại thần triều Nguyễn cùng áp Nhật bình là hai cổ vật góp phần làm rõ chế độ y quan của triều Nguyễn, mang ấn tích lịch sử và rất có ý nghĩa về văn hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn