MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Mưa xuân" của Nguyễn Bính ngân lên giữa tiết mưa xuân, khai mạc Ngày Thơ Việt Nam

Ý Yên - Hải Nguyễn LDO | 23/02/2024 11:58

Ngày Thơ Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 23.2, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sự kiện do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức.

Chương trình khai mạc Ngày thơ Hà Nội là nội dung mở đầu quan trọng trong chuỗi sự kiện Ngày Thơ Việt Nam năm 2024 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”.

Kể từ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất năm 2003 được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, suốt hơn 20 năm qua, sự kiện đã trở thành ngày hội của văn giới và công chúng yêu thơ.

Đây là dịp để tôn vinh những giá trị tốt đẹp của thơ ca và những đóng góp của các nhà thơ đối với sự phát triển văn hóa dân tộc.

NSND Quốc Chiêm ngâm bài thơ “Nguyên Tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lễ khai mạc Ngày Thơ Hà Nội sáng 23.2, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hải Nguyễn

Đến dự lễ khai mạc Ngày Thơ Hà Nội có ông Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, TS. Bùi Duy Đức - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, PGS. TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam…

Phát biểu khai mạc, ông Trần Gia Thái - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội - khẳng định, Ngày Thơ Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là sự kiện có ý nghĩa. Ngày hội tôn vinh những giá trị vĩnh cửu của thơ ca trong lịch sử đất nước.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam - cho rằng, Ngày Thơ Việt Nam đã được tổ chức rộng khắp ở các tỉnh thành phố trên cả nước. Do đó, hưởng ứng hoạt động có ý nghĩa ngày, TP Hà Nội quyết định tổ chức Ngày Thơ Hà Nội như một sự kiện khai xuân cho hoạt động văn hóa văn nghệ của Thủ đô.

Ngày hội nhằm động viên, khích lệ văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo hơn nữa để cho ra đời những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh thực tiễn sinh động của đời sống xã hội.

NSND Thanh Ngoan ngâm bài "Mưa xuân" của Nguyễn Bính. Ảnh: Nguyễn Hải

Phần trình diễn của các nghệ sĩ với các tiết mục ca trù, ngâm thơ, đọc thơ... thể hiện thành công tác phẩm của các nhà thơ thuộc nhiều thế hệ: “Tây hồ hoài cổ” của Nguyễn Công Trứ, “Mùa Xuân” của Nguyễn Bính, “Tiễn Xuân” của Hữu Thỉnh, Hoa phượng của Bằng Việt, “Với thơ” của Vũ Quần Phương…

Phần trình diễn sáng tác của mình, các nhà thơ Thủ đô Hà Nội để lại dấu ấn trong lòng khán thính giả với những tác phẩm như “Mùa xuân ấm” của Nguyễn Việt Chiến, “Tiên nữ” của Nguyễn Linh Khiếu, Anh và em” của Nguyễn Thị Mai, “Phố” của Trần Kim Hoa, "Cây tre” của Đoàn Văn Mật.

Sau phần khai mạc, Ngày thơ tiếp diễn với các cuộc thi Trình diễn thơ của các nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, thi Trưng bày quán thơ, quán báo của các Câu lạc bộ thơ Thủ đô và các đơn vị báo chí trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội.

Ngày Thơ Hà Nội diễn ra đến 17h ngày 23.2, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn