MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mùi cỏ cháy: Tâm sự của chàng trai "nếm mùi" bom đạn giữa thời bình

Linh Chi LDO | 30/04/2019 07:00
"Mùi cỏ cháy" là một trong những bộ phim gây ấn tượng mạnh với khán giả về cuộc chiến 80 ngày đêm gìn giữ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Bên cạnh những diễn viên gạo cội, nam diễn viên trẻ Tô Dũng được may mắn lựa chọn là 1 trong 4 diễn viên chính - anh lính Thăng ra chiến trường khi tuổi đôi mươi. 

Đã 8 năm trôi qua, bạn còn nhớ cơ duyên đã đưa bạn tới với "Mùi cỏ cháy" không? 

- “Mùi cỏ cháy” là bộ phim đầu tiên tôi tham gia khi vừa kết thúc năm đầu tiên của Trường Sân khấu Điện ảnh. Hồi đó, tôi chưa biết đến máy quay, diễn xuất là gì. Cơ duyên đưa tôi đến với “Mùi cỏ cháy” rất tình cờ, đạo diễn Hữu Mười khi đến trường sân khấu tìm diễn viên, tôi và Thanh Sơn đã được thầy chủ nhiệm giới thiệu. Hai đứa lên casting vai và được chọn, tôi vào vai Thăng, còn Sơn vào vai Long. 

Có kỉ niệm nào trong quá trình thực hiện "Mùi cỏ cháy" khiến bạn nhớ mãi?

- Với tôi, mỗi ngày làm phim đều là một kỉ niệm. Hồi đó quay phim là quay bằng băng nên không thể quay hỏng xóa đi quay lại.

Tới cảnh nổ, đạo diễn mới bấm bắt đầu, không hiểu sao kíp nổ lại nổ luôn. Máy quay đã ấn rồi không thể dừng lại được vì dừng lại nghĩa là bỏ đi phần băng đó rất tiếc, nên tôi phải rình bom nổ thì chạy. Hồi đó quay bằng máy băng nên vất vả, phải tập luyện rất lâu trước khi quay chính thức. 

Bộ tứ “Hoàng - Thành - Thăng - Long” do 4 diễn viên trẻ thủ vai.

Một kỉ niệm khác nữa, nhân vật của tôi được lấy từ hình tượng liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Có lẽ tôi không bao giờ quên được sau khi bộ phim công chiếu, anh trai bác Thạc đã ôm chầm lấy tôi và khóc vì "giống quá". Đó là một trong những thành công của bộ phim cho tới tận bây giờ.

Nhiều khán giả bị ám ảnh bởi cảnh quay bộ đội vượt sông Thạch Hãn, các diễn viên thực hiện cảnh này có khó không?

- Thật ra, cảnh vượt sông Thạch Hãn được quay ở một bờ mương nhỏ thôi. Mọi thứ đều chỉ là dựng lên nhưng cảm xúc đều phải chân thật.

Bản thân không trải qua chiến tranh nên tôi  cũng không thể hiểu được cảm xúc của người lính khi đó thật sự như thế nào. Hồi đó, kinh nghiệm của tôi còn là con số 0 và nghĩ sao làm vậy, nhưng may mắn là có những áp lực nên lên hình cũng khá ưng ý. Tôi nhớ hôm chiếu phim đến cảnh đó cả rạp đã rơi nước mắt. 

Diễn viên trẻ Tô Dũng đảm nhiệm vai Thăng. Anh lính Thăng đã hi sinh khi đang nối dây liên lạc cho các đồng đội.

Đó có phải cảnh quay khó nhất không?

- Cảnh quay nào cũng khó vì khi đó tôi chưa có kinh nghiệm diễn xuất, áp lực nữa. Vì phải quay một lần lấy luôn nếu hỏng  sẽ phải quay lại nguyên set đó, sẽ rất tốn tiền. Hầu như cả bộ phim, các cảnh chỉ quay 1 lần.

Theo bạn, điều gì làm nên thành công của bộ phim cho tới tận bây giờ?

- Nhiều người vẫn giữ suy nghĩ phim chiến tranh không có gì đặc sắc nhưng nếu mọi người xem “Mùi cỏ cháy” một lần nhất định sẽ nghĩ khác. Không chỉ tái hiện chiến tranh nó còn mang tính nhân văn, cuộc sống. Đang từ những cậu thanh niên chỉ có bút sách bỗng lên đường ra trận, vui có, buồn có, đau thương có.

Sở dĩ bộ phim chân thực là do biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã trực tiếp trải qua quãng thời gian đó. 19 tuổi gác bút nghiên để ra trận nên những gì ở trong phim đều là những trải nghiệm thực tế.

Có thể nói tôi cảm thấy may mắn là một số ít trong những chàng trai được "nếm" bom đạn thời bình. Được làm diễn viên trong phim, đặt mình vào thời đó mới thấy được các chiến sĩ hào hùng thế nào. Mà tâm lí của mình chỉ là làm phim chứ chưa phải tâm lí có thể hi sinh bất cứ lúc nào, đạn có thể găm vào người bất cứ lúc nào.

Bộ phim khi chiếu cho các cựu chiến binh, nhiều người khóc bởi nhận ra hình ảnh của mình, của người thân trong thời chiến. "Mùi cỏ cháy" là phim đầu tay nhưng là một kỉ niệm khiến tôi rất tự hào, một kỉ niệm mà tôi sẽ mang theo suốt cuộc đời.

Cảm ơn bạn vì những chia sẻ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn