MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Nối vòng tay lớn" từng được chọn làm chủ đề trong chương trình tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: BTC

Muốn hát “Nối vòng tay lớn” phải xin phép: Dư luận bức xúc

Đặng Chung - Mai Châu LDO | 12/04/2017 12:55
“Bất ngờ”, “sốc”, “hoang mang”, “tức giận”… là những cảm xúc của dư luận, bạn đọc trước sự việc nhiều ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa được Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cấp phép cho lưu hành.
“Bao năm rồi vẫn hát chui?”

Việc đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Huế gặp khó trong việc xin phép biểu diễn đã làm lộ ra sự thật: Rất nhiều năm nay, các bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ, được biểu diễn khắp nơi, từ sân khấu lớn nhỏ, đến cả truyền hình… nhưng hóa ra ca khúc đó lại chưa được cấp phép biểu diễn. Vụ việc này đã tạo không ít những băn khoăn, bức xúc trong cộng đồng mạng. Một tác phẩm được nhiều thế hệ hát như “Nối vòng tay lớn”, nhưng giờ lại phải xin phép qua nhiều khâu mới được sử dụng là điều hết sức khó hiểu.

“Như thế, có thể hiểu là công chúng bao năm nay đã “hát chui” bài này à? “Nối vòng tay lớn" hiện được giảng dạy trong chương trình âm nhạc cấp trung học cơ sở. Nó cũng là một trong những bài hát không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt Đoàn, Đội, hội trại. Thật không thể tin được là giờ muốn hát phải xin phép” – độc giả Nguyễn Minh Châu bức xúc.

Trong sách giáo khoa âm nhạc lớp 9 (tập 1) có đưa bài “Nối vòng tay lớn” vào chương trình giảng dạy và ghi nhận rất rõ: “Bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là tiếng nói tình cảm của những người Việt Nam yêu nước, mong muốn cùng nắm tay, kề vai sát cánh bên nhau để tạo dựng cuộc sống yên vui, thanh bình vươn tới mục tiêu cao cả vì một đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập, hòa bình, hạnh phúc”. Ông Nguyễn Đăng Chương -  Cục trưởng Cục NTBD – cũng khẳng định với Lao Động, việc “Nối vòng tay lớn” chưa được cấp phép không hề liên quan gì đến vấn đề nội dung của ca khúc, chỉ vì từ trước đến nay chưa có ai đến Cục nộp hồ sơ để xin cấp phép cho ca khúc này và nhiều ca khúc khác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Vì chưa ai đến xin, nên cơ quan quản lý văn hóa có muốn cấp cũng không thể. Ông Chương nói quy định trong Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15 sửa đổi đã quy định như vậy rồi, nên Cục cứ theo quy định mà làm.

Cục NTBD cần chủ động đưa ra danh sách được phép hát

Việc liên tiếp có những lùm xùm liên quan đến việc ca khúc bị “cấm hát” trong thời gian qua đã làm lộ ra những bất cấp trong quy định về việc cấp phép lưu hành ca khúc hiện nay. Đó là cơ chế xin - cho trong việc cấp phép. Nhiều độc giả kiến nghị Cục NTBD trong quá trình quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nếu thấy những quy định bất cập thì cần kiến nghị, sửa đổi.

“Cục NTBD nên đưa ra danh sách các ca khúc không được phép biểu diễn, thay vì bắt các cơ quan, tổ chức hay cá nhân mỗi lần sử dụng ca khúc nào lại phải 'xin phép' ca khúc đó” – bạn đọc Nguyễn Đức Hạnh góp ý.

Nhiều người cũng đồng thuận với ý kiến này, cho rằng cơ quan quản lý văn hóa nên chủ động rà soát, thẩm định tất cả các ca khúc được sáng tác trước 1975, rồi đưa ra danh sách các ca khúc không được phép hát, không được phép biểu diễn. Còn những ca khúc còn lại không trong danh sách này thì tự động được cấp phép, để làm giảm các thủ tục hành chính, thời gian, công sức, tiền bạc của người dân trong việc phải làm hồ sơ xin cấp phép từng bài như hiện nay.

“Hãy đưa ra danh sách các ca khúc bị cấm hát, biểu diễn. Ca sĩ sẽ hát các bài không nằm trong danh sách bị cấm đó. Việc bản quyền là thương lượng giữa ca sĩ và nhạc sĩ, Cục NTBD không nên can thiệp mà nên chú trọng việc giảm tải các thủ tục hành chính khác” – một bạn đọc đề xuất.

“Nên tách bạch việc kiểm duyệt nội dung và cấp phép!”

Đó là ý kiến của bạn đọc Tuấn Mạnh. Độc giả này liên hệ với việc Cục NTBD có lệnh cấm lưu hành vĩnh viễn dị bản ca khúc “Con đường xưa em đi” và một số ca khúc khác gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. “Cục chỉ cần thẩm định và duyệt nội dung cho phép sử dụng bài hát là đủ. Còn tác quyền là chuyện khác. Ai hát mà chủ sở hữu (hoặc đại diện cho chủ sở hữu) chưa đồng ý thì phạt theo Luật Bản quyền, chứ không nên ra văn bản cấm hát như hiện nay” – độc giả nêu ý kiến.

Việc cấp phép ca khúc nhỏ giọt như hiện tại, hay cấm rồi thả với một ca khúc liệu có thay đổi đời sống âm nhạc, khi ca khúc đó đã có sức sống trong công chúng, được bao người hát, người thuộc? Nhà sử học Dương Trung Quốc kiến nghị: “Người dân có quyền hát tất cả ca khúc không bị cấm thay vì xin xỏ từng bài một. Việc còn tồn tại cơ chế xin – cho trong việc cấp phép biểu diễn ca khúc phản ánh thói quen xấu và tư duy cũ kỹ của các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu quy định còn bất cập thì nên thay đổi để phát triển”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn