MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ khay 12 ngăn để ăn gỏi. Ảnh: Từ Ân

Nghe cổ vật kể chuyện Tết Huế xưa 

Tường Minh LDO | 03/02/2022 09:38

Huế - Những chuyện kể về Tết Huế xưa hiện về qua những cổ vật được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. 

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế nằm trong điện Long An - ngôi điện do vua Thiệu Trị cho xây dựng từ hơn 150 năm trước dùng để làm nơi nghỉ dưỡng, tĩnh tâm ngay trong lòng Thành Nội.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện đang lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm liên quan đến Tết xưa của triều Nguyễn như: Bộ bình chén dâng rượu bằng bạc từ thời Tự Đức (1848 - 1883), vua Đồng Khánh (1885 - 1889) còn sai Sở Nội tạo chế tác một bộ bình và chén làm bằng ngà voi, trên khắc bốn chữ Hán: “Đồng Khánh sắc tứ” đặt trong một chiếc giá hình lồng đèn sơn son thếp vàng.

Bộ bình rượu bằng ngà voi “Đồng Khánh sắc tử”. Ảnh: Từ Ân

Bộ đồ uống rượu này thật tiện lợi cho những chuyến du xuân, như vua Đồng Khánh từng thực hiện vào mùa xuân năm Bính Tuất (1886). Mỗi khi du xuân, chỉ cần rót rượu đầy bình, treo chén vào các lá cửa của chiếc lồng đèn, đóng lại. Lúc cần thưởng rượu chỉ kéo cần gạt phía dưới lồng đèn, những cánh cửa mở ra, mang chén ngà đến cho tửu khách chiết tửu.

Là bộ khay đựng mứt do Pháp lam tượng cục của triều Nguyễn làm vào đời vua Thiệu Trị (1841 - 1848), gồm chín ngăn, mỗi ngăn dùng đựng một món mứt, khay đặt trong chiếc hộp gỗ sơn son vẽ rồng.

Bộ khay đựng mứt 9 ngăn bằng Pháp lam đời Thiệu Trị. Ảnh: Từ Ân

Đã ăn mứt thì phải uống trà. Vậy nên đi theo bộ khay đựng mứt là những bộ đồ trà bằng sứ ký kiểu của triều Nguyễn luôn đủ bốn món dầm, bàn, tống, tốt, do triều đình sai sứ sang Cảnh Đức Trấn (Giang Tây, Trung Quốc) ký kiểu.

Bộ đồ trà viên long, hiệu đề “Thiệu Trị niên tạo” đang bày kèm với bộ khay mứt chính là một bảo vật trong dòng đồ sứ ký kiểu ấy.

Ngoài ra, còn có bộ khay Pháp lam khác dùng để ăn món gỏi vì vào dịp Tết âm lịch, các ông vua nhà Nguyễn cũng thường dùng đến 12 món gỏi, tượng trưng 12 tháng trong năm.

Bộ khay Pháp lam khác dùng để ăn món gỏi. Ảnh: Từ Ân

Tết Huế xưa còn có nhiều trò giải trí như đua ghe, vật võ, bài chòi, bài vụ, đánh thơ, đổ xăm hường, chơi đầu hồ... Theo thời gian, nhiều trò chơi dường như mất hẳn trong các thú vui ngày tết ở Huế. Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế vẫn còn lưu giữ được nhiều cổ vật ghi dấu những trò chơi này.

Đầu hồ là một trò chơi có nguồn gốc Trung Hoa. Đầu nghĩa là ném; hồ nghĩa là cái bình. Đầu hồ là ném (một vật) vào cái bình, ở đây là ném những mũi tên bằng gỗ lọt vào miệng một chiếc bình.

Bộ bình rượu bằng ngà voi “Đồng Khánh sắc tử”. Ảnh: Từ Ân

Trò đầu hồ khá phổ biến vào thời Nguyễn. Vì thích trò đầu hồ nên các vua nhà Nguyễn cho làm nhiều đầu hồ với nhiều chất liệu khác nhau. Nhờ đó mà Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế vẫn còn giữ được hai chiếc đầu hồ bằng gỗ, một bằng pháp lam và một bằng sứ ký kiểu. Tất cả đều là vưu vật của vua Tự Đức và là trân bảo của bảo tàng này.

Đổ xăm hường cũng là một trò chơi tao nhã ngày Tết, người Huế rất ưa chuộng. Xăm nghĩa là cái thẻ; hường là lối đọc trại từ chữ hồng, nghĩa là màu hồng.

Bộ xăm hường bằng ngà voi của vua Tự Đức. Ảnh: Từ Ân

Do âm hồng có trong chữ Hồng Nhậm, tên của vua Tự Đức, nên phải đọc trại đi. Đổ xăm hường là trò gieo con súc sắc sao cho giành được những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa: Tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn, trạng nguyên…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn