MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghề làm bánh tráng hơn 2 thế kỉ ở Cần Thơ được đề cử Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

YẾN PHƯƠNG LDO | 08/02/2023 11:00
Trải qua hơn 2 thế kỉ với sự tiếp nối làm nghề và giữ nghề của nhiều thế hệ, nghề làm bánh tráng Thuận Hưng (Q. Thốt Nốt. TP. Cần Thơ) đã tạo nên giá trị văn hóa riêng biệt và làm rạng danh xứ Tây Đô, đặc biệt là vừa được đề cử vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng (P. Thuận Hưng, Q. Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) đã hình thành và phát triển hơn 200 năm qua, với sự nối tiếp của nhiều thế hệ bà con địa phương để làm nghề và giữ nghề.

Nghề làm bánh tráng hơn 2 thế kỉ ở Cần Thơ. Ảnh: Yến Phương 

Gắn bó với nghề từ thời còn con gái, bà Nguyễn Thị Ngon (71 tuổi, P. Thuận Hưng) cho biết, hiện làng nghề đang phát triển với đa dạng các loại bánh như bánh tráng dừa, bánh tráng ngọt, bánh tráng nem, bánh tráng ruốc, bánh tráng mè,... hầu hết được làm từ nguyên liệu chính là gạo Thốt Nốt để không mất hương vị quê nhà, và vẫn giữ được mùi vị truyền thống đặc trưng vốn có của bánh tráng Thuận Hưng.

Người làm nghề nơi đây phải dày công từ những chiếc bánh mỏng, từ công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, pha bột đến cách thức tráng bánh, phơi bánh, cùng kĩ năng điêu luyện của những đôi bàn tay khéo léo giàu kinh nghiệm,… từ đó hình thành nên những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo và riêng biệt.

 Dày công từ những chiếc bánh mỏng. Ảnh: Yến Phương

Qua thời gian, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng đã không ngừng cải tiến để nâng cao sản lượng. Ngoài tráng tay ra thì hiện nay, một số hộ đã có thêm lò tráng bánh bằng máy, trong đó có lò tráng bánh và sấy khô luôn, không cần phơi nắng. Hơn nữa, nhiều hộ còn thuê thêm nhân công để làm với quy mô lớn hơn, nhờ vậy mà năng suất tăng gấp nhiều lần so với trước.

Theo bà Ngon, với những lò tráng bánh thủ công, mỗi ngày cơ sở cho ra lò khoảng từ 1.500 - 2.000 chiếc bánh. Còn với những lò tráng bằng máy, dịp Tết trung bình sẽ cho ra thị trường khoảng từ 10.000 - 15.000 chiếc bánh tráng mỗi ngày. Hiện bánh có giá dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/chục tùy từng loại, riêng dịp Tết, giá bánh tăng lên khoảng 10 - 20%.

Nhờ vào sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, tới nay làng nghề đã được lan truyền rộng rãi và có nguồn tiêu thụ lớn đến từ nhiều vùng. Sản phẩm đã trải khắp khu vực miền Tây cùng các tỉnh, thành lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,... và còn theo xe sang tận Campuchia.

Những chiếc bánh được trải lên vỉ lá dừa rồi đem phơi nắng. Ảnh: Yến Phương

Theo báo cáo của UBND phường Thuận Hưng, trên địa bàn hiện có 58 hộ sản xuất bánh tráng, giải quyết việc làm cho hơn 250 lao động có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Không chỉ phát triển về kinh tế mà nơi đây còn trở thành điểm du lịch ấn tượng với nhiều du khách, nhất là những du khách thích khám phá, tìm hiểu về những làng nghề truyền thống, ẩm thực, văn hóa của vùng đất Tây Đô.

Với những giá trị văn hóa riêng có mà nghề làm bánh tráng Thuận Hưng mang lại, những năm qua, TP. Cần Thơ và quận Thốt Nốt đã có nhiều giải pháp hỗ trợ bà con địa phương duy trì sản xuất cũng như bảo tồn làng nghề.

Đặc biệt, để minh chứng cho sự nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản này, UBND TP. Cần Thơ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị đưa Nghề thủ công truyền thống Bánh tráng Thuận Hưng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng thời, UBND thành phố cũng gửi kèm hồ sơ khoa học di sản gồm lý lịch di sản, bản đồ phân bố vị trí di sản, ảnh minh họa và phim tư liệu về di sản, bản cam kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản của nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn