MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ca hát trong Ngày Sân khấu Việt Nam 2019 ở Long An. Ảnh: K.Q

Nghệ sĩ cải lương chờ đến ngày giỗ Tổ để được hát

KỲ QUAN LDO | 12/09/2019 09:39

Sân khấu cải lương ngày càng khó khăn, nhiều nghệ sĩ phải bỏ nghề, tìm nghề khác mưu sinh. Tình yêu với bộ môn nghệ thuật truyền thống này vẫn không nguôi, thế nên mỗi năm chờ đến ngày giỗ Tổ nghề - ngày truyền thống ngành sân khấu, họ lại về, quây quần bên nhau để được hát…

Từ những tấm lòng và nỗi lòng...

Không biết tự bao giờ, những nghệ sĩ cải lương nói riêng và những người hoạt động đờn ca tài tử nói chung ở Nam bộ lấy ngày 12.8 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ Tổ. Ngày này, những người đã hoặc đang hoạt động sân khấu cải lương dù bận bịu đến đâu cũng tề tựu về. Đến khi Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 12.8 âm lịch hàng năm là Ngày sân khấu Việt Nam từ năm 2011, các nghệ sĩ cải lương càng có thêm điều kiện để tổ chức ngày truyền thống của nghề, theo cách ngày càng thiết thực, nhân văn hơn, bớt yếu tố dị đoan, huyền bí.

Tại tỉnh Long An, trong 2 ngày 9 và 10.9 năm nay (nhằm ngày 11 và 12.8 âm lịch), tại “hậu cứ” Đoàn nghệ thuật cải lương Long An diễn ra giỗ Tổ rất đông vui, ấm cúng. Trong ngày “tiên thường” 9.9, hầu hết nghệ sĩ các thế hệ từng gắn bó với Đoàn đều có mặt để thăm hỏi nhau, cùng ca hát. Và ngày 10.9 là “giỗ chính”, có lãnh đạo tỉnh và các ngành đến dự, nghi thức kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam mới được tiến hành chính thức.

NSƯT Đoàn Dự, người từng nhiều năm gắn bó với Đoàn nghệ thuật cải lương Long An, giờ bỏ nghề về cùng vợ kinh doanh ăn uống chia sẻ, dù đã bỏ nghề cách đây hơn 10 năm nhưng đến giỗ Tổ, dù bận bịu đến đâu ông đều dành trọn 2 ngày để về với đoàn. Bỏ nghề, hầu như cả năm ông không hát nhưng đến ngày thì “hát thả ga” cho đỡ nhớ nghề. Người đứng “chủ quản” bàn thở Tổ cùng với NSƯT Đoàn Dự là NSƯT Phương Tùng, dù tuổi đã cao sức yếu, không còn hát nổi vẫn đứng trực suốt bên bàn thờ Tổ, xem đó là vinh dự của một thời làm nghề. Ông Tùng cho biết, các nghệ sĩ cải lương bao giờ cũng trân trọng Tổ nghiệp. Trước đây, khi còn hành nghề, trước khi bước ra sân khấu bao giờ cũng đến thắp hương bàn thờ Tổ đặt dưới sân khấu, sau này ít đoàn hát duy trì bàn thờ Tổ nhưng trước khi bước ra sân khấu nghệ sĩ cũng thường dành 1 phút tịnh tâm trước khi bước ra sàn diễn.

Cải lương khó nhưng không “chết”

Về dự giỗ Tổ năm nay, cô Thúy Vân - một người đã từng gắn bó với sân khấu cải lương chuyên nghiệp - chia sẻ: Trước đây theo đoàn đi hát rất vất vả, không có điều kiện lo cho gia đình, thu nhập không đủ nuôi con, vì vậy cô quyết định bỏ nghề hát để đi làm công nhân. Cô Vân vẫn rất yêu nghề nên năm nào cũng về giổ Tổ và mong muốn những người còn bám lại được với nghề cố gắng giữ ngành nghệ thuật thuật truyền thống mà cha ông đã sáng tạo nên.

Ông Biện Hữu Hùng Dũng - nguyên Trưởng đoàn nghệ thuật cải lương Long An - cho biết, Đoàn là một trong ít đoàn cải lương chuyên nghiệp ở miền Tây còn giữ được hoạt động. Ngoài sự bao cấp của Nhà nước, đoàn còn liên kết với các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh để đến diễn, Nhờ vậy mà sân khấu của đoàn vẫn thường “sáng đèn”, thu nhập của anh em nghệ sĩ cũng đủ sống. Theo ông Dũng, sân khấu cải lương ngày càng khó là thực tế, làm cách nào cứu cải lương là bài toán không dễ giải và nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì cải lương khó duy trì hoạt động.

Nngày 8.9, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Long An cũng đã tổ chức kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam. Tại buổi lễ, các đại biểu bất ngờ trước những giọng ca tài tử còn rất trẻ, hoạt động nghiệp dư, mặc áo dài đồng phục, hát một cách say sưa. Họ là những công nhân, người buôn bán, giáo viên… mới tham gia câu lạc bộ đờn ca tài tử của nghệ nhân Hồng Cúc ở TP.Tân An. Họ đến với ca hát từ nhu cầu hiện thân, làm phong phú thêm cuộc sống sau những ngày làm việc mệt nhọc.

Ông Nguyễn Công Toại - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Long An cho biết, thời gian gần đây, phong trào đờn ca tài tử trong tỉnh phát triển mạnh, hàng chục câu lạc bộ được thành lập và thường xuyên hoạt động. Đó là điểm sáng của phong trào văn nghệ địa phương, cho dù sân khấu cải lương chuyên nghiệp đang gặp khó nhưng nghệ thuật đờn ca tài tử “vẫn có đất để sống” trong đời sống nhân dân.

* Ngày 10.9, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ 10, Lễ giỗ Tổ nghề Sân khấu và tôn vinh các nghệ sĩ lão thành, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, các Giáo sư đầu ngành có đóng góp cho sân khấu Việt Nam.

* Sáng ngày 10.9, tại nhà thờ Tâm linh Việt (Quận 9, TPHCM), NSƯT Hoài Linh, nghệ sĩ Thoại Mỹ và nhiều nghệ sĩ Việt làm lễ rước kiệu, thựchiện các nghi thức trong lễ giỗ Tổ ngành sân khấu năm nay. Buổi lễ diễn ra tại gian chính của nhà thờ trong không khí trang nghiêm, thiêng liêng. Trước đó, vào chiều 9.9, nam danh hài đã tiến hành làm lễ dâng hương Tổ nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn