MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghệ sĩ violin Hoàng Rob: “Dù gì, cũng phải tạo ra những con sóng của riêng mình”

Thủy Nguyên LDO | 17/12/2016 08:38
“Đưa cây đàn violin bước ra khỏi dàn nhạc và kết hợp nó với nhiều yếu tố khác - đấy không phải là sự tự tin thái quá mà là một lựa chọn vừa sức với mình” - Cây vĩ cầm sinh năm 1991 nói về dự án kép được cho là táo bạo của mình: Bộ đôi album và live concert “Hừng đông”, có sự góp mặt của nhiều ngôi sao nổi tiếng (sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 18.12 tới).
“Thôi chết, kiểu này mình “chơi lớn” rồi!”
Nghe nói, bạn từng khởi đầu bằng cách tự học?
- Đúng vậy! Chuyện bắt đầu từ năm tôi 9 tuổi, khi tôi được tặng một cái đĩa hòa tấu với tiếng đàn của Kenny G, Richard Clayderman, Bond... (tôi có thói quen sưu tập đĩa nhạc từ bé). Lúc đó, tôi đã ước mình chơi đàn được như họ và tôi nghĩ mình có thể làm được. Trước đó, tôi cũng đã từng học guitar nhưng không thấy thú vị lắm. Thế nhưng ở Quảng Bình, nơi tôi sinh ra, không có một chỗ nào để tôi có thể học violin. Vì thế, tôi chỉ còn cách lên mạng và mày mò tự học qua google, youtube..., trước khi ra Hà Nội và được học bài bản hơn. Mơ ước ban đầu chỉ là làm sao chơi được vài giai điệu trong những bản nhạc mình yêu thích...
Trong khi nhiều tên tuổi lớn trong làng vĩ cầm ở ta còn chưa có được một đêm nhạc riêng thì một người trẻ, tự học... như Hoàng Rob lại dám “cả gan qua mặt”. Thoạt tiên, bạn có ngần ngại?
- Ban đầu thì có đấy! Vì bản thân tôi cũng đã dành cho họ một sự ngưỡng mộ rất lớn, như đang đứng trước một “ngôi đền thiêng”. Thậm chí, cả khi đã bắt tay làm rồi, mà đôi khi tôi vẫn còn cảm thấy hơi hoảng: Thôi chết, kiểu này mình “chơi lớn” quá rồi, các anh ấy lừng lững thế kia mà còn chưa dám làm, sao mình liều thế được... Nhưng sau đó, tôi lại tự trấn an mình rằng, dù gì, mình cũng phải tạo ra những con sóng của riêng mình, trên con đường đi riêng của mình.
Đưa cây đàn violin bước ra khỏi dàn nhạc và kết hợp nó với nhiều yếu tố khác - đấy không phải là sự tự tin thái quá mà là một lựa chọn vừa sức với mình. Còn nếu như chỉ dựa vào mỗi tiếng đàn thì chắc là không đủ để làm nên một show diễn thành công. Đành rằng, ranh giới giữa một “lẩu thập cẩm” và sự phá cách là rất mong manh, nhưng tôi sẽ cố gắng cân bằng và thêm nữa, tôi tin vào bàn tay xếp đặt của một đạo diễn giỏi như Cao Trung Hiếu và ekip gồm toàn những tên tuổi chuyên nghiệp của mình.
Tiếng đàn saxophone Trần Mạnh Tuấn từng chinh phục khán giả bằng những bản cover các ca khúc nổi tiếng. Đó cũng là cách bạn từng làm với dự án gây tiếng vang “Tự nguyện”. Vì sao đến dự án này, bạn lại quyết định sử dụng toàn bộ các ca khúc viết mới?
- Có câu “một liều, ba bảy cũng liều” nên tới lúc này, tôi nghĩ mình cần tiếp cận khán giả bằng một thái độ mạnh dạn hơn, trên một lối đi riêng. Chịu ảnh hưởng phần nào từ thần tượng (nhóm tứ tấu Bond), tôi cũng muốn chơi nhạc với tinh thần của một người trẻ để có thể đưa ra những đối thoại tươi mới trước những câu chuyện của ngày hôm nay, bằng những bản nhạc được “đo ni đóng giày” cho riêng mình và được viết, phối khí cũng bởi một người trẻ (nhạc sĩ Khắc Hưng)... Đó chính là lý do tôi chọn cái tên “Hừng đông” cho dự án kép này của mình.
Làm công chức để có “điểm ghìm cần thiết”
Khi còn là một anh chàng “cạo bàn giấy” của ngành điện ảnh, đạo diễn Phan Đăng Di cũng đã từng không ngừng “tơ tưởng” đến phim ảnh và cuối cùng thì đã quyết định rời “bàn giấy” để trở thành một đạo diễn nổi tiếng như hiện nay. Là một công chức của Bộ VHTTDL, bạn có bị “giằng xé” giữa việc “sáng vác ô đi, tối vác về” và đam mê biểu diễn của mình?
- Ai nói cuộc đời công chức tẻ nhạt, chứ tôi lại không thấy như vậy! Có thể vì công việc tôi làm (tại Đoàn thanh niên Bộ VHTT&DL) không hoàn toàn gói gọn trong 8 tiếng/ngày bên bàn giấy mà còn có nhiều hoạt động gặp gỡ, giao lưu khác với những người trẻ. Biết thêm một việc gì đó không bao giờ là thừa cả. Biết đâu cũng chính vì nhờ “dan díu” với nghệ thuật mà tôi có thể đóng góp được thêm nhiều điều mới lạ hơn vào công việc hàng ngày mà tôi đang làm, cũng như môi trường mà tôi định sẽ gắn bó lâu dài này. Thật ra, tôi mới trở thành công chức nhà nước trong vòng một năm trở lại đây nhưng cũng đã kịp ít nhiều cảm thấy, đó là một môi trường có thể giúp tôi cân bằng rất tốt giữa sự “lông bông” của một nghệ sỹ và sự “khuôn thước” của một đời sống tập thể - nơi không có cá tính nào là tách biệt quá... Âu cũng là một “điểm ghìm” cần thiết, để đừng quá bị trôi theo cá tính. Nếu được chọn, tôi muốn một đời sống nhẹ nhàng, xa lánh mọi bon chen...
Chẳng dễ gì thực hiện được một album và một đêm nhạc riêng với sự “gật đầu” của một loạt tên tuổi như Hà Trần, Linh Nga, Thu Phương, Cao Trung Hiếu... Hẳn là “nhà có điều kiện”?
- Đúng là không có gì là đơn giản cả, nhưng cũng có những cái không hẳn quá khó như mọi người vẫn quen nghĩ. Các ngôi sao lớn thật ra không phải là quá khó tiếp cận, nếu như ta đến với họ bằng sự ngưỡng mộ và cầu thị chân thành. Gia đình tôi tuy có thể lo được cho tôi nhiều hơn nhưng trong show này, điều bố mẹ tôi làm là mua ủng hộ con... 10 chiếc vé, chấm hết.
Từ nhỏ, tôi đã được dạy rằng: Nếu con muốn một điều gì đó, tốt nhất con hãy tự làm. Cây đàn đầu tiên tôi mua được năm 14 tuổi là cũng bằng tiền để dành và đó là một cây đàn cũ, đáng ra chỉ đủ để làm đạo cụ cho một... studio ảnh. Album và live concert lần này cũng là được thực hiện bằng số tiền tôi đã tích cóp suốt một thời gian dài, bằng vô số đêm biểu diễn ở phòng trà trong suốt 5 năm trời (tuần 6 tối, mỗi tối 2 tiếng) và nhất là từ sau khi “gây sốt” trên mạng bằng MV cover ca khúc “Say You Do” của Tiên Tiên. Chỉ sau một đêm, cát sê của tôi tăng lên gấp 20 lần và trong một tuần (tháng 9.2015), tôi đã phải bay tới... 40 lần, cho các lời mời biểu diễn... Nhu cầu cuộc sống của tôi cũng đơn giản, nên tích lũy được bao nhiêu, tôi đổ hết vào âm nhạc. Với tôi, đó là cuộc chơi đáng giá nhất!
Vì sao bạn lại chọn nghệ danh Hoàng Rob?
- Nó chỉ đơn giản là một cái tên hồi bé (thật ra là Rốp). Tôi cũng không hiểu vì sao bố mẹ tôi lại gọi tôi như thế...
Nghệ sĩ violin Hoàng Rob (tên thật là Trương Nhật Hoàng) sinh năm 1991, theo học violin từ năm 16 tuổi, là người thành lập, trưởng nhóm của GEN9 - nhóm nhạc dây hoà tấu hiện đại đầu tiên tại Việt Nam đi theo mô hình nhóm BOND. Trước khi ra mắt dự án “Hừng đông”, Hoàng Rob từng gây chú ý với dự án “Tự nguyện” - chuỗi MV kết hợp hoà tấu violin hiện đại, cover các ca khúc nổi tiếng như “Tự nguyện”, “Say You Do”, trên nền các thắng cảnh Việt Nam như Sơn Đoòng, Huế...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn