MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bài chòi hấp dẫn vì nghệ thuật diễn xướng độc đáo và có tính tương tác cao Ảnh: THANH HẢI

Nghệ thuật Bài chòi thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

THANH HẢI - MAI CHÂU LDO | 08/12/2017 10:57

Ngày 7.12, tại phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc), di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo nhiều nhà nghiên cứu: Bài chòi xuất hiện rộng khắp các tỉnh thành duyên hải miền Trung, là một trong những hình thức nghệ thuật dân gian sinh động mà không phải loại hình trình diễn nào cũng có; nghệ thuật Bài chòi có sức sống mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật ngày càng cao của công chúng...

Nhận xét về nét đặc sắc, khác biệt của “nghệ thuật Bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam” so với các di sản văn hoá phi vật thể khác như: “Hát xoan”, “Ca trù”, “Quan họ”, “Tuồng, Chèo”…. nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông (Hội An) vắn tắt: Thứ nhất là Bài chòi đang “sống khoẻ”, phổ biến thường trực trong hoạt động văn hoá nghệ thuật cũng như sinh hoạt đời sống của người dân miền Trung. Thứ hai, Bài chòi rất sinh động bởi ngoài sự kết hợp khéo léo cả thơ, nhạc, hát, diễn xuất, ứng tác… thì còn là một trò chơi may rủi, có tính tương tác cao giữa người diễn xướng và khán giả với người chơi.

Trò chơi dân gian thành sản phẩm văn hoá, nghệ thuật

Sở dĩ nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông rất hứng khởi khi nói về hình thái nghệ thuật dân gian hát Bài chòi bởi trò chơi này đang là một trong những bộ môn nghệ thuật được trình diễn thường xuyên tại các lễ hội văn hoá, nghệ thuật, lễ Tết và hấp dẫn người chơi, thưởng ngoạn tại Hội An, Quảng Nam. Đặc biệt, tại đô thị cổ Hội An, Bài chòi là một sản phẩm du lịch không thể thiếu dịp cuối tuần, du khách xem nhiều và người tham gia chơi đông như hội.

Theo ông Phùng Tấn Đông, thời điểm này chưa có nghiên cứu thống nhất về lịch sử hình thành, phát triển của Bài chòi. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy Bài chòi xuất hiện rộng khắp các tỉnh thành duyên hải miền Trung, từ phía trong đèo Ngang cho đến Khánh Hoà, Ninh Thuận, thậm chí tận Đồng Nai... Song ở mỗi một địa phương, Bài chòi có một biến thể về hình thức biểu diễn khác nhau, khác cả về làn điệu hô hát, ca từ, trang phục… nhưng đại cục thì vẫn giống nhau.

Nhiều nhà nghiên cứu như Giáo sư Hoàng Châu Ký, Giáo sư-nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, các nghệ sĩ nhân dân như: Nguyễn Nho Tuý, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu cho rằng từ những năm đầu thế kỷ XX, khi họ mới sinh ra thì Bài chòi đã hữu hiện trong đời sống văn hoá dân gian. Có thể hình thái nghệ thuật này có từ thế kỷ thứ XV.

Trong một hội thảo khoa học được tổ chức tại Hội An, Tiến sĩ Nguyễn Bình Định - Viện trưởng Viện Âm nhạc khẳng định, Bài chòi là một trong những hình thức nghệ thuật dân gian sinh động mà không phải loại hình trình diễn nào cũng có. Từ hình thức đánh bài lá, tiến tới hội chơi Bài chòi, Bài chòi chiếu, từ hình thức trình diễn dưới đất đi lên trình diễn trên giàn và sau đó còn bước tiếp để phát triển thành hình thức sân khấu truyền thống, mang tính chuyên nghiệp đã cho thấy nghệ thuật Bài chòi có sức sống mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật ngày càng cao của công chúng.

Ông Phùng Tấn Đông phân tích rõ, Bài chòi xuất phát từ trò chơi bài lá, mang tính ăn thua, may rủi thuần tuý đã kết hợp với thơ ca, âm nhạc, diễn xướng, ứng tác… trở thành một nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc sắc. Từ trò chơi bình dân, qua thời gian, bài chòi phát triển lên cấp độ văn hoá nghệ thuật của cả giới trí thức, quan lại. Ngoài ra, quân bài chơi trong trò Bài chòi cũng mang giá trị nghệ thuật cao.

Có nhà nghiên cứu cho rằng, Bài chòi biến thể trò chơi tổ tôm (trong quân bài tiến tới đậm văn hoá Nhật), phổ biến ở miền Bắc. Nhưng cũng có người khẳng định Bài chòi ảnh hưởng nặng văn hoá Chăm Pa. Mỹ thuật của quân bài mang tính biểu trưng, tính khát quát cao, song cũng trùng khớp với ca từ tôn vinh sự phồn thực.

Xứng là Di sản văn hoá độc đáo của nhân loại

Hiện, Bài chòi có đời sống sôi động, phổ biến ở khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định. Đặc biệt tại Quảng Nam, ngoài điều kiện thuận lợi về phát triển du lịch, chính quyền cũng đặc biệt quan tâm đến việc khôi phục bộ môn nghệ thuật này. Không chỉ đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông như Tuồng, Quảng Nam còn tổ chức những cuộc thi hô hát Bài chòi thường xuyên chứ không chỉ dịp Tết.

Bài chòi so với các di sản văn hoá phi vật thể khác là ngoài giá trị nghệ thuật, đây còn là trò chơi may rủi, hấp dẫn người tham gia, có tính tương tác cao, dễ phổ biến. Bất cứ du khách ngoại quốc nào cũng dễ dàng hiểu, tham gia chơi và thưởng thức nghệ thuật Bài chòi. Vì vậy, Bài chòi có “đất sống”, phổ biến rộng rãi.

Cách hô hát Bài chòi đặc biệt giàu chất liệu dân gian như các điệu lý, hò, dân ca… thay đổi sinh động. Ca từ thường phê phán thói hư tật xấu giàu hình ảnh chế giễu. Khi tán dương cái đẹp, điều thiện, ngợi ca sự phồn thực… thì kích thích sự tò mò, hấp dẫn người nghe. Đây cũng chính là sở trường dân gian.

Hiện tại, ca từ Bài chòi phát triển, cập nhật những thông tin thời sự như chế diễu thói hư hút thuốc lá, tai nạn giao thông, thay tình đổi vợ… Cũng là trò chơi ăn thua, may rủi, song hô hát Bài chòi là kéo dài sự hồi hộp của người chơi. Về âm nhạc, hô hát Bài chòi là một câu nhạc hoàn chỉnh, có giai điệu riêng, tiết tấu riêng, có trật tự âm thanh riêng.

Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể, hồ sơ đề cử Di sản Văn hóa Phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã đáp ứng những tiêu chí sau để đăng ký vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại như Nghệ thuật Bài Chòi là một hoạt động văn hóa quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng đồng nghĩa với việc, các câu chuyện trong Bài Chòi là những bài học đạo đức, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân. Ngoài ra, hồ sơ đề cử đã chỉ ra được vai trò quan trọng của người lưu giữ di sản.

Là một di sản của cộng đồng, việc truyền dạy Bài Chòi diễn ra chủ yếu trong gia đình, câu lạc bộ và được truyền dạy trong các trường học. Đặc biệt, Nghệ thuật Bài chòi được Bộ VHTTDL Việt Nam đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia trong giai đoạn 2014-2016. Viện Âm nhạc Việt Nam quản lý cơ sở dữ liệu về Nghệ thuật Bài Chòi và cập nhật hằng năm.

Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn