MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghịch lý của dòng tiền “chảy” trong phim lịch sử ở Việt Nam

Mi Lan LDO | 25/04/2022 16:02
Đầu tư càng nhiều, lỗ càng lớn - “tiền” luôn là câu chuyện được nhắc đến khi nói về dòng phim lịch sử của điện ảnh Việt Nam.

Phim đặt hàng triệu USD nhưng gần như không bán được vé

Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 là trận đánh lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, từng được nhà thơ Tố Hữu miêu tả: “9 năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Trận đánh ở lòng chảo Mường Thanh năm ấy được ví là “56 ngày đêm chấn động địa cầu”.

Thế nhưng, những bộ phim được Nhà nước đặt hàng lấy nội dung về chiến dịch này đều thất bại nghiêm trọng về doanh thu.

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà nước đặt hàng Hãng phim truyện Việt Nam dự án phim “Ký ức Điện Biên” với kinh phí hơn 13 tỉ đồng, được xem là mức đầu tư kỷ lục vào thời điểm năm 2004. Tuy nhiên, phim ra rạp không gây được tiếng vang, còn bị chê về câu chuyện cũ nhàm. Doanh thu phim ảm đạm, theo số liệu cung cấp từ một rạp chiếu (rạp Đống Đa) vào thời điểm ấy, phim chỉ bán được 60 vé trong suốt 3 ngày chiếu.

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng chiến dịch Điện Biên lịch sử, Nhà nước lại đặt hàng Hãng phim truyện Việt Nam dự án phim mới với mức đầu tư tiếp tục giữ kỷ lục là 21 tỉ đồng. Nếu tính theo giá USD năm 2014, đây là dự án phim triệu USD. Dự án này khi ra rạp có tựa đề “Sống cùng lịch sử”.

Tuy nhiên, sự ế ẩm của “Sống cùng lịch sử” triệu USD còn thê thảm hơn cả “Ký ức Điện Biên” 10 năm trước. Theo số liệu cung cấp từ các nhà rạp, “Sống cùng lịch sử” có nhiều suất chiếu thậm chí không bán nổi 1 vé, và phim buộc phải dừng chiếu sau vài ngày ra rạp.

Cảnh trong phim “Sống cùng lịch sử“. Ảnh: ĐPCC

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều ví dụ về những bộ phim do Nhà nước đặt hàng nhân những dịp kỷ niệm bị thất bại thê thảm về doanh thu và hiệu ứng xã hội.

Câu chuyện “phim đặt hàng” từng gây tranh cãi suốt thời gian dài. Phía các đạo diễn và hãng phim Nhà nước nhận đặt hàng cho rằng, phim của họ sản xuất ra không phải để bán vé. Rằng những phim "đặt hàng" này sẽ được mang đi chiếu miễn phí cho học sinh, sinh viên các trường học để thế hệ trẻ yêu hơn, hiểu hơn và tự hào hơn về lịch sử.

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, kế hoạch mang “phim đặt hàng” ra chiếu miễn phí đã không thể giúp môn lịch sử được yêu thích hơn.

Ở chiều ngược lại của dư luận, đông đảo ý kiến cho rằng, đặt hàng những phim triệu USD nhưng chỉ chiếu vài ngày phải rời rạp vì không bán nổi vé, là sự lãng phí quá lớn.

Chưa kể, nội dung những bộ phim đặt hàng còn luôn nhận sự phản ứng từ khán giả về sự khô cứng, sáo mòn, cũ kỹ.

Phim tư nhân cũng thua lỗ

Có 2 ví dụ điển hình về phim lấy cảm hứng từ lịch sử của các hãng tư nhân nhưng thua lỗ hàng chục tỉ đồng là “Dòng máu anh hùng” và “Thiên mệnh anh hùng”.

“Dòng máu anh hùng” lấy bối cảnh thời kháng chiến chống Pháp, phải dàn dựng phim trường tốn kém, đầu tư 23 tỉ đồng thời điểm 2006. Khi ra rạp, phim chỉ thu 10 tỉ đồng, thua lỗ gần một nửa.

“Dòng máu anh hùng” thua lỗ gần một nửa. Ảnh: ĐPCC
Sự thua lỗ của “Dòng máu anh hùng” và “Thiên mệnh anh hùng” (ảnh dưới) còn nằm ở việc các đạo diễn Việt kiều khi ấy chưa có sự thấu hiểu cần thiết để làm phim lịch sử. Ảnh: ĐPCC

“Thiên mệnh anh hùng” lấy cảm hứng lịch sử từ câu chuyện về thảm án Lệ Chi Viên liên quan đến gia tộc danh nhân Nguyễn Trãi. Phim ra mắt dịp Tết Nguyên Đán năm 2012 nhưng không thể thu hồi vốn. Nhà sản xuất công bố phim thua lỗ khoảng 10 tỉ đồng.

Lý giải cho sự thua lỗ này, các đạo diễn cho rằng, họ đã đầu tư cho phim quá lớn, trong khi thị trường và thị hiếu khán giả Việt lại... khó lường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh năm 2012, bộ phim “Thiên mệnh anh hùng” không được đánh giá cao về nội dung, đây cũng không được đánh giá là tác phẩm có dấu ấn của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ.

Hai bộ phim của 2 đạo diễn Việt Kiều còn cho thấy, thời kỳ đầu bước vào thị trường phim Việt, Charlie Nguyễn (đạo diễn Dòng máu anh hùng) và Victor Vũ (đạo diễn Thiên mệnh anh hùng) – cả hai đã chưa thể nắm bắt được thị hiếu, đo lường được thị trường, và cả việc họ chưa có sự thấu cảm “cần và đủ” để làm phim về lịch sử của Việt Nam.

Thế giới đã có phim lịch sử ăn khách

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, và khập khiễng bậc nhất là khi so sánh phim Việt với phim ảnh thế giới.

Chắc chắn các nhà làm phim Việt sẽ phản ứng gay gắt, vì phim chiến tranh họ làm giá 1 triệu USD, thì phim Mỹ được đầu tư 100 triệu USD, hay phim Hàn sẽ là con số hàng chục triệu USD. Cùng với đó còn là chuyện về kịch bản, diễn viên, bối cảnh, cơ chế...

Tuy nhiên, thử lấy ví dụ về một phim lịch sử, chiến tranh ăn khách của Hàn Quốc,  đơn cử như “Đại thủy chiến” được đầu tư 18,6 triệu USD và thu về 112 triệu USD. Nếu đưa 18,6 triệu USD cho các nhà làm phim của chúng ta, liệu có thể có được một bộ phim lịch sử ăn khách mọi thời đại, và đạt doanh thu 112 triệu USD không?

Giới phê bình kỳ vọng rằng, sẽ có cách kể về chiến tranh, lịch sử không cần đến quá nhiều tiền, nhưng vẫn giàu cảm xúc. Ảnh: CMH

Có ý kiến cho rằng, vẫn có những cách làm phim về lịch sử, chiến tranh gây xúc động, vì suy cho cùng, quan trọng nhất của một bộ phim là cách kể chuyện.

Những mất mát, đau đớn, những bi hùng từ một cuộc chiến, từ một hành trình lịch sử hẳn sẽ có nhiều cách kể lại, trong đó sẽ có cách không cần đến quá nhiều tiền, nhưng vẫn chạm đến tâm can khán giả.

Điều đó còn phụ thuộc vào tài năng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn