MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những hình ảnh và kỷ vật liên quan đến Trịnh Công Sơn được trừng bày trong Gác Trịnh. Ảnh: H.V.M

“Ngôi đền linh hồn mang tên Gác Trịnh”

Hoàng Văn Minh LDO | 14/10/2019 07:30
Lê Huỳnh Lâm hiện là chủ nhân của căn gác 203 ở khu tập thể trên đường Nguyễn Trường Tộ (Huế), nơi Trịnh Công Sơn từng sống và cũng là nơi người nhạc sĩ tài hoa này sáng tác những ca khúc đầu tiên. Ngôi nhà đó được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đặt tên “Căn nhà của những gã lang thang”. Còn bây giờ, nó có tên là “Gác Trịnh” như trong câu thơ “Ngôi đền linh hồn mang tên Gác Trịnh” của chính Lê Huỳnh Lâm.

Mỗi người yêu và thể hiện tình yêu của mình với Trịnh Công Sơn theo nhiều cách khác nhau. Với nhà thơ, họa sĩ Lê Huỳnh Lâm, như ông kể,  có duyên gặp Trịnh Công Sơn vào năm 2000, một năm sau thì Trịnh bệnh và rời bỏ “cõi tạm”. Lê Huỳnh Lâm yêu quý Trịnh Công Sơn, bắt đầu nghiên cứu, viết rất nhiều về Trịnh Công Sơn, và đăng các bài viết trên website “Một chút Trịnh”.

 

"...Không lẽ một nơi chốn để lại nhiều dấu ấn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của một thời lại rơi vào quên lãng! Tôi được biết, sau khi Trịnh Công Sơn mất, có người muốn mua lại căn gác để làm bảo tàng mini về âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng sự việc không thành” - Lê Huỳnh Lâm mở đầu câu chuyện.

Bây giờ trước mặt tôi, căn gác ba gian hiện được sắp xếp như cũ, lưu giữ những kỷ vật của Trịnh Công Sơn, cùng tranh ảnh lưu niệm bạn bè, gia đình ông tặng. Trong đó có những kỷ vật quý như ảnh của danh ca Khánh Ly gửi tặng, hay lá thư tình ông viết cho “Ánh - tuổi - nhỏ” được bà Dao Ánh tặng lại. 

Từ lan can Gác Trịnh một sáng sớm, ngồi nhìn ngắm hàng cây long não lá mướt xanh trong nắng, như đang được trở về những ngày tháng Trịnh Công Sơn ngồi tại đây theo dõi hình bóng “Diễm” mỗi khi tan học về. Và Trịnh Công Sơn như vẫn còn đâu đó, trong căn gác nhỏ đậm chất dịu dàng, trầm buồn của Huế, trong từng ca từ giản dị của những bài hát mà nhà thơ Lê Huỳnh Lâm mở mỗi khi khách ghé thăm...

Lê Huỳnh Lâm.

Thưa, cơ duyên đưa anh đến với Gác Trịnh như thế nào?

- Chuyện bắt đầu khi Trịnh mất và căn nhà cũ của Trịnh đang bỏ trống do vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chuyển vào TPHCM sinh sống và tôi đặt vấn đề thuê nhà với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Đến tháng 3.2013, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ gọi điện thoại bảo tôi: “Lâm ơi, đến xem nhà để làm thủ tục thuê với Dạ Thư (con gái nhà thơ), chị đã bảo Dạ Thư rồi”. Thế là tôi có chìa khóa nhà.

Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác xúc động khi lần đầu tiên bước vào căn nhà cũng như không dám di chuyển bất kỳ đồ vật nào trong các ngóc ngách. Sau đó, tôi và nhà thơ Phạm Tấn Hầu lên kế hoạch để ra mắt Gác Trịnh vào dịp 1.4.2013. Tên Gác Trịnh là do tôi đặt, vì tôi thấy cái tên đó rất gần gũi với xứ Huế và với tính cách giản dị của Trịnh Công Sơn. Hơn nữa, có câu “một đêm bước chân về gác nhỏ” trong bài “Đêm thấy ta là thác đổ”.

Còn nhớ, buổi ra mắt Gác Trịnh, tôi mời ca sĩ Camille Huyền hát và Bảo Phú bạn tôi (em ruột Camille Huyền) đệm guitare. Trong buổi ra mắt còn có danh cầm Trần Văn Phú chơi guitar cổ điển. Buổi ra mắt thành công ngoài mong đợi và đem lại niềm vui cho mọi người.

 
 
 
 
 
 Nhưng rồi Gác Trịnh đóng cửa vì rất nhiều lý do?

- Đúng vậy! Và lần thứ 2, tôi mở lại Gác Trịnh sau 3 năm đóng cửa là tháng 4. 2018 với căn nhà trống rỗng, không điện nước và đầy bụi bặm. Lần này với sự hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu của họa sĩ Hoàng Sao ở Cần Thơ và tôi đã làm lại từ đầu như lần đầu tiên của năm 2013, từ sửa chữa điện nước, làm la phông, quét sơn... sang ảnh trình bày không gian và duy trì Gác Trịnh đến bây giờ với nhiều trăn trở.

Thật ra, gia đình nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua liên lạc với Hoàng Dạ Thư cũng đã nhiệt tâm hỗ trợ Gác Trịnh vào thời điểm khó khăn. Tôi nghĩ rằng, tôi đã làm hết tấm lòng của mình, còn chuyện tương lai thì “biết ra sao ngày sau?”.

Gác Trịnh, trong mơ ước sẽ là một “ngôi đền linh hồn” như tên của một bài thơ anh từng viết?

- Nếu bạn thử đến Gác Trịnh một thời gian, bạn sẽ cảm nhận được điều đó, bởi “ngồi đền linh hồn” ở đây chính là trong lòng mọi người. Hầu như mọi du khách đến Gác Trịnh đều cảm thấy thân quen, du khách nói, nghe nhạc Trịnh tại Gác Trịnh cảm xúc hơn. Tôi tin rằng âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn đồng hành với mọi người. Bởi nhạc Trịnh như một xúc tác khơi dậy nội tâm của mỗi người, gợi mở về những nơi chốn của một con người đã dần bị rơi vào quên lãng.

Cảm giác của những tín đồ nhạc Trịnh khi bước chân vào Gác Trịnh là xúc cảm tự trong đáy lòng. Và điều đó khiến tôi tin rằng Huế nên có "ngôi đền linh hồn" đúng nghĩa cho du khách.

Với Gác Trịnh sau chừng đó năm, cảm giác của anh bây giờ thế nào?

- Vui buồn lẫn lộn. Có một thời gian ngắn thất vọng vì một vài người trong hội văn nghệ tỉnh nhà đã đem những tặng phẩm của Gác Trịnh về “nhà”, cho đến bây giờ ở đâu tôi không rõ, cho dù đó bức ảnh danh ca Khánh Ly ký tặng, hay bức tranh của họa sĩ Đinh Cường, chiếc áo của thi sĩ Đinh Thu và cả bức tranh của Nguyễn Đại Giang từ Mỹ về vẽ Trịnh Công Sơn theo trường phái đảo ngược tại Gác Trịnh (tôi đón Nguyễn Đại Giang từ khách sạn đưa đến Gác Trịnh để vẽ theo đề nghị của tôi)...

Tôi nghĩ rằng buồn và cô độc là thuộc tính của người nghệ sĩ. Khi tôi ngồi ở Gác Trịnh một mình, tôi cô độc, khi có những du khách đến tôi chia sẻ với họ những câu chuyện mình đã đọc được qua sách vở hoặc qua những người bạn thân của Trịnh Công Sơn kể lại, giây phút đó tôi vui vì cảm nhận được sự xúc động và hạnh phúc từ những vị khách. Lúc nào thất vọng thì tôi lại thì thầm “Đừng tuyệt vọng. Tôi ơi đừng tuyệt vọng”...

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

“Gác Trịnh là dành cho những tâm hồn đam mê âm nhạc và ngưỡng mộ Trịnh Công Sơn. Mọi người đến Gác Trịnh để cảm nhận được nơi Trịnh Công Sơn từng sống và sáng tác cùng những câu chuyện đã đi vào huyền thoại về người nhạc sĩ tài danh này”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn