MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người H’Mông làm giấy bản trang trí bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết

Quách Du LDO | 23/01/2020 14:00

Bao đời nay, cứ mỗi khi tết đến xuân về, những người phụ nữ H’Mông ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) lại tất bật với công việc vào rừng chặt cây về làm giấy bản, trang trí bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết.

Theo đó, năm nào cũng vậy, cứ độ gần Tết, bà Thào Thị Dính (50 tuổi, trú tại bản Pù Toong, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) lại tất bật với công việc vào rừng chặt cây, mang về làm giấy, trang trí cho bàn thờ gia tiên trong ngày tết.

Mỗi khi Tết đến xuân về, người H'Mông ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) lại làm ra những tờ giấy bản, cắt tạo những hoa văn vô cùng đẹp, để trang trí cho bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết. Ảnh: Quách Du 

Theo bà Dính, giấy bản là vật không thể thiếu trong đời sống của người H’Mông ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Giấy được làm từ những cây Xấng (một loại họ nhà tre) mọc ở trong rừng. Giấy được dùng trong các nghi lễ của người H’Mông, đặc biệt là trang trí cho bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết.

“Cứ vào dịp cuối năm, những người phụ nữ (không phân biệt lứa tuổi) trong bản lại rủ nhau vào rừng, chọn những cây Xấng đẹp, đúng độ tuổi, rồi mang về làm giấy. Công đoạn làm giấy khá công phu và mất nhiều thời gian” – bà Dính nói.

Để làm ra những tờ giấy bản, những phụ nữ H'Mông phải trải qua nhiều công đoạn. Ảnh: Quách Du 

Bà Dính cho biết thêm, sau khi lấy được nguyên liệu về, bà phải tước bỏ phần vỏ cây và chẻ thành từng thanh nhỏ rồi mang đi rửa sạch, sau đó cho vào nồi đun.

Sau chừng 10 giờ nấu, cây Xấng mềm nhũn thì lấy ra, bỏ vào nước lạnh ngâm khoảng 2 ngày. Khi đủ thời gian thì vớt ra và đập nhuyễn, sau đó, trộn một chút nước để lọc ra bột giấy, phần còn lại là cặn bã thì vứt đi.

Cây Xấng sau khi ngâm trong nước nhiều ngày thì lấy ra đập nhuyễn. Ảnh: Quách Du 

“Khi có bột của cây Xấng, chúng tôi mang ra rải đều lên một tấm vải rộng chừng 1,5m, khi bột khô kết dính thì mang đi phơi. Để giấy đạt chất lượng tốt nhất thì cần phải phơi 2 hoặc 3 ngày nắng, nếu không giấy rất dễ bị hỏng” – bà Dính nói về cách làm giấy.

Bột cây sau khi đã được lọc hết phần cặn bã sẽ mang ra tưới đều lên một tấm vải thưa, rồi mang đi phơi . Ảnh: Quách Du  

Bà Thào Thị Dếnh (62 tuổi, trú tại bản Pù Toong, xã Pù Nhi) cho biết, người H’Mông dùng giấy bản trong những nghi lễ quan trọng của gia đình. Đặc biệt, vào ngày tết, người H’Mông dùng để trang trí bàn thờ tổ tiên, với mong muốn tổ tiên sẽ chứng giám cho lòng thành, phù hộ cho con cháu có một năm mới bình an, mùa màng tươi tốt.

Trải qua rất nhiều công đoạn, tờ giấy bản được hoàn thành. Ảnh: Quách Du  

Ông Cao Văn Cường – Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho hay, từ đời này truyền đời khác, cứ vào dịp gần tết, người H’Mông trên địa bàn huyện lại làm giấy bản để sử dụng cho các nghi lễ và trang trí bàn thờ gia tiên ngày tết.

Bà Thào Thị Dếnh nâng niu giấy bản, chuẩn bị cho việc trang trí bàn thờ tổ tiên. Ảnh: Quách Du  

“Đây là phong tục, là nét văn hóa độc đáo của người H’Mông trên địa bàn, qua đó thể hiện sự hiếu kính đến ông bà tổ tiên và ước mong một năm mới đầy ấm cúng, tốt tươi” – ông Cường đánh giá. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn