MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Làn sóng M&A vào Việt Nam đạt kỷ lục 10,2 tỉ USD năm 2017. Ảnh: PV

Làn sóng M&A vào Việt Nam đạt kỷ lục 10,2 tỉ USD năm 2017

Linh Chi LDO | 27/07/2018 13:30

Năm 2017, thương vụ M&A đình đám nhất tỉ phú Thái Lan mua lại cổ phần của Sabeco. Trong 10 năm qua, đã có gần 4.000 thương vụ được tạo lập, với tổng giá trị đạt khoảng 48,8 tỉ USD. Chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 10,2 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016. Quy mô thị trường năm 2017 tăng 9 lần so với năm 2008.

Các yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2017 là làn sóng đầu tư và tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực, điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm 2017, Thái Lan đã dẫn đầu trong số các quốc gia thực hiện M&A tại Việt Nam.

Thương vụ kỷ lục nhất trong năm là vụ tỉ phú Thái Lan mua lại cổ phần của Sabeco, thông qua công ty con Vietnam Beverage. Cụ thể, ThaiBev đã mua lại 51% Sabeco, công ty bia lớn nhất tại Việt Nam, trị giá 5 tỉ USD đã được tạo lập trong năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỉ USD (bằng 139% cùng kỳ năm 2017).

Nhóm nghiên cứu đánh giá, nếu năm 2016 là năm lên ngôi của bán lẻ với các thương vụ mua lại các chuỗi phân phối, thì năm 2017, ngành có tỉ trọng giá trị M&A lớn nhất là sản xuất hàng tiêu dùng (57%), tiếp theo đó là ngành bất động sản (27%), Tài chính ngân hàng (4%), Vật liệu hóa chất (3%). Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành bất động sản chiếm ưu thế (66,75%), tài chính ngân hàng (19,06%) và sản xuất công nghiệp (9%).

Như vậy, có thể thấy, những ngành đang được quan tâm nhất hiện nay là những ngành quan trọng trong việc tiếp cận thị trường 95 triệu dân của Việt Nam. Việc mua lại những công ty sản xuất hàng tiêu dùng (đồ uống, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu) không chỉ mua lại thương hiệu và còn mua lại mạng lưới phân phối để tiếp cận thị trường. Trong lĩnh vực ngân hàng, các giao dịch tập trung vào mua lại các công ty tài chính tiêu dùng, công ty quản lý thẻ, dịch vụ tài chính nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Các giao dịch trong lĩnh vực bất động sản hướng tới các dự án bất động sản ở khu vực thành thị lớn hoặc đô thị mới phát triển nơi tập trung dân cư, các dự án nghỉ dưỡng, các khách sạn ở vị trí trung tâm.

Mặc dù giá trị thương vụ M&A trong năm 2018 được đánh giá giảm so với con số kỷ lục của năm 2017, song các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2018 là dấu mốc quan trọng cho thị trường M&A tại Việt Nam. Bởi so với thời điểm năm 2008, thị trường M&A đang đứng trước những cơ hội rất lớn với nhiều lực đẩy tạo “cú huých” mạnh mẽ đến từ nhiều yếu tố. Cùng với đó là những thách thức bởi sự thay đổi trong chính sách của Mỹ khi quốc gia này quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc đang dự báo sẽ tác động mạnh đến kinh tế, thương mại toàn cầu. Cùng với đó, những vấn đề nội tại nền kinh tế Việt Nam như trở ngại trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, chất lượng doanh nghiệp Việt Nam chưa được cải thiện, quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường M&A Việt Nam trong thời gian tới.

Dự báo năm 2018, giá trị M&A có thể đạt 6,5 - 6,9 tỉ USD. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam có thể vượt qua mốc 5 tỉ USD của giai đoạn 2014-2016, để ổn định ở mốc 6 - 6,5 tỉ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Singapore đang tạm dẫn đầu với những thương vụ đầu tư lớn của GIC.

Theo các chuyên gia, các yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua là làn sóng đầu tư và tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn