MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người nghệ nhân miệt mài thổi hồn cho gỗ làng Chọi

Nguyễn Huế LDO | 24/05/2022 15:00

Hơn 35 năm làm nghề, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Hùng và những người thợ của mình đã sáng tạo hàng trăm bức tranh ghép gỗ độc đáo về đời sống, quê hương.

Khu phố Khúc Toại có tên nôm là Làng Chọi, là một phường ven đô của TP. Bắc Ninh nổi tiếng với nghề mộc gần 300 năm. Nghề mộc khúc Toại là nghề “cha truyền con nối” từ xa xưa đã được nhiều khách hàng ưa chuộng với các sản phẩm gỗ như: Sập gụ, ghế ngựa, ghế ba nan, tủ gương hai ba buồng cong, thẳng khác nhau,...

Là làng nghề sản xuất kinh doanh đồ gỗ nổi tiếng đã đi vào câu ca “Mã Đông Hồ, Đồ Làng Chọi” hiện có hơn 500 hộ dân làm nghề. Đứng trước những thách thức và cạnh tranh, bằng tài năng và sự sáng tạo, một số thợ giỏi của vùng đã biến những mảnh gỗ vụn tưởng như bỏ đi trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang tên tranh ghép gỗ.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Hùng, người thổi hồn cho tranh ghép gỗ làng Chọi. Ảnh: Nguyễn Huế

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Hùng là một trong những người tiên phong cho dòng tranh này độc đáo này. Ông chia sẻ: “Một bức tranh có nhiều màu sắc sẽ được ghép từ nhiều miếng ghép, nhiều loại gỗ khác nhau. Mỗi loại gỗ lại có màu sắc đặc trưng: Màu vàng của gỗ mít; màu đen của gỗ mun; màu đỏ gỗ lim, gỗ hương, gỗ trắc; màu trắng gỗ xoan, bạch đàn…”. 

Tranh ghép gỗ được chia thành loại nổi và chìm. Loại nổi là những chi tiết của tranh, gồm những miếng ghép nổi hẳn lên trên bề mặt tạo thành tranh. Loại chìm là ghép những miếng ghép thuần túy để thành bức tranh có độ phẳng cao.

Xưởng làm nghề mộc của anh Hùng luôn rộn tiếng cắt tiếng mài. Ảnh: Nguyễn Huế

Để làm ra một bức tranh ghép gỗ mỹ thuật phải trải qua nhiều công đoạn như chọn màu gỗ, cắt, lắp ghép, đánh bóng, sơn phủ… Mỗi bức tranh sẽ được vẽ, thiết kế bằng giấy trước, sau đó đo đạc kẻ vẽ vào những miếng gỗ nhỏ. Những miếng gỗ nhỏ ấy sẽ được bào nhẵn làm bóng để lộ ra những vân gỗ, rồi ghép chúng lại với nhau.

Thời gian hoàn thiện mỗi bức tranh ít nhất là 15 ngày, có những bức tranh làm trong nhiều tháng. Ảnh: Nguyễn Huế

Để hoàn thiện một bức tranh phải ghép hàng nghìn mảnh gỗ, chính vì vậy tranh ghép gỗ không chỉ đòi hỏi người thợ phải có con mắt thẩm mỹ, phân tích màu sắc tinh nhạy mà còn cần sự tỉ mỉ, thời gian và tâm huyết.

Cái khó là chuyển thể tranh từ giấy lên gỗ, khiến những bức tranh có hồn. Ảnh: Nguyễn Huế

Sinh ra trong cái nôi của làng nghề mộc, ông Hùng được bố mẹ dạy cho nghề truyền thống ngay từ nhỏ. Hơn 35 năm miệt mài với hướng đi mới, ông Hùng vẫn đang tiếp tục sáng tạo những tác phẩm tranh độc đáo đồng thời cũng truyền dạy nghề lại cho những người con của mình. 

Con gái và con rể ông Hùng vừa học nghề vừa tham gia vào các công đoạn làm tranh. Ảnh: Nguyễn Huế

Là một trong những nghệ nhân tiêu biểu, năm 2020, ông Hùng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì có nhiều cống hiến trong gìn giữ, phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của địa phương. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn