MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều thành viên Hội đồng Nguyễn Phúc tộc phía Bắc đang quyên góp tiền để đưa chiếc ấn này về Việt Nam. Ảnh từ trang MILLON

Người Nguyễn Phúc tộc quyên góp tiền để mua ấn vàng triều Nguyễn

Tường Minh LDO | 22/10/2022 15:07
Huế - Có hai cá nhân, trong đó có một là thành viên Hội đồng Nguyễn Phúc tộc ở phía Bắc muốn đóng góp từ 1-2 triệu USD để mua ấn vàng triều Nguyễn.

Liên quan đến ấn vàng triều Nguyễn Hoàng đế chi bảo đang được hãng đấu giá MILLON đưa lên sàn đấu với mức khởi điểm từ 2-3 triệu Euro, phóng viên Lao Động đã trao đổi với ông Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, hiện đang sinh sống tại Huế.

Ông Nguyễn Phước Bửu Nam cho biết, ông đã nhờ Thiếu tướng Nguyễn Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc phía Bắc liên lạc với ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam ở Pháp trình bày nguyện vọng của dòng họ Nguyễn Phước về chiếc ấn.

This browser does not support the video element.

Clip nhận định của các chuyên gia về giá trị của ấn vàng Hoàng đế chi bảo

Cụ thể là dòng họ muốn đưa ấn Hoàng đế chi bảo đang được hãng MILLON cho đấu giá về Việt Nam bằng cách thương lượng, trước khi cuộc đấu giá diễn ra chính thức để mua lại chiếc ấn với giá khởi điểm từ 2-3 triệu Euro như thông báo của hãng MILLON.

“Đặc biệt, hiện đã có hai cá nhân, một trong Hội đồng Nguyễn Phúc tộc phía Bắc, một bên ngoài (tạm thời xin giấu tên) đã xoay xở được chừng 1 - 2 triệu USD để chuẩn bị cho việc này”, ông Nguyễn Phước Bửu Nam nói.  

Theo hồi âm từ Thiếu tướng Nguyễn Quang Hùng, ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp cho biết, ông đang ở Bồ Đào Nha và 2 hôm nữa về Pháp, ông sẽ thử thương lượng với nhà đấu giá MILLON và chủ sở hữu chiếc ấn Hoàng đế chi bảo.

Ông Đinh Toàn Thắng cho biết, nếu Đại sứ quán biết việc đấu giá ấn Hoàng đế chi bảo để liên hệ với nhà đấu giá MILLON sớm hơn khi họ vừa mới có ý định đấu giá và đưa ra giá khởi điểm thì sẽ có nhiều cơ hội thương lượng và mua lại với giá có thể thấp hơn giá khởi điểm hiện nay. 

Bởi theo nguyên tắc của luật quốc tế, bảo vật thuộc gốc quốc gia nào thì quốc gia đó có quyền thương lượng giá để mua về trước khi mở thời điểm đấu giá. 

Trước đó, như Lao Động đã thông tin, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ đã gửi ngay công văn cho Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với hãng đấu giá MILLON để xác minh rõ thông tin liên quan về việc đấu giá 2 cổ vật trên.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Ngoại giao tìm hiểu khả năng Việt Nam có thể đàm phán mua không qua đấu giá hay không.

Thứ 2, đề nghị Sứ quán sớm trao đổi đàm phán khả năng ngừng đấu giá hai đồ vật trên, Việt Nam có thể thỏa thuận mua trực tiếp không qua đấu giá.

Và cuối cùng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Sứ quán tìm hiểu phương án phù hợp nhất vì nó liên quan tới pháp luật sở tại ở Pháp.

Theo ông Hoàng Đạo Cương, cũng như câu chuyện về cuộc đấu giáo chiếc mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình hồi tháng 10.2021, nếu bây giờ huy động được nguồn xã hội hóa thì khả năng đưa được cổ vật quý báu về Việt Nam là rất cao.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn