MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguồn gốc và một số kiêng cữ ngày Thất tịch

Th.S LÝ VIẾT TRƯỜNG (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN) LDO | 01/08/2022 18:16
Ngày Thất tịch nằm vào mùng 7 tháng Bảy âm lịch. Lễ này dân gian còn gọi là Ngâu, gắn với sự tích vợ chồng Ngưu Lang và Chức Nữ. 

Nguồn gốc lễ Thất tịch

Thời tiết Việt Nam tháng 7 âm lịch thường mưa rất nhiều, rả rích suốt ngày nọ sang ngày kia, nhất là ở miền Bắc. Dân gian gọi đó là mưa Ngâu, vì người ta cho rằng đó là những giọt lệ của vợ chồng Ngâu.

Trong cuốn sách Nếp cũ: Tín ngưỡng Việt Nam (quyển hạ), nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh đã kể lại câu chuyện cổ tích thần thoại về mối tình dang dở giữa Ngưu Lang và Chức Nữ như sau: “Chức Nữ, ái nữ của Ngọc Đế có nhan sắc có tài nữ công khéo léo. Ngưu Lang, chỉ là một chàng chăn trâu nhưng có tâm hồn thi sĩ, yêu đương tha thiết lại có tài thi phú. Trai tài, gái sắc, đôi bên nặng một lòng yêu. Trước mối tình đằm thắm ấy, Ngọc Đế tác thành cho đôi lứa.

Đôi uyên ương được cùng nhau chung sống, hưởng hạnh phúc của tình yêu, nhưng mải mê say mối duyên vàng lụa, chàng và nàng đều xao lãng phận sự của mình. Nàng biếng dệt, kim chỉ biếng khâu; chàng văn biếng luyện, sách đèn biếng ngó và cả đàn trâu cũng không buồn săn sóc đến.

Lễ Thất Tịch gắn liền với sự tích Ngưu Lang Chức Nữ. Ảnh: Meta

Trước sự trạng ấy, Ngọc Đế nổi giận, đày hai người ở hai bờ sông Ngân và một năm nhờ đàn quạ đen bắc cầu, gọi là cầu Ô Thước, đôi bên chỉ được gặp nhau một lần. Ở hai bên bờ sông Ngân, chàng Ngưu chăn trâu đợi ngày gặp gỡ với người yêu, còn nàng Chức phải dệt lụa vá may để đền lỗi cũ.

Hàng năm tháng Bảy tới, đôi bên gặp nhau. Gặp nhau nước mắt tràn lời nói, những dòng nước mắt của đôi bên rơi xuống cõi trần gây nên những ngày mưa liên tiếp: ấy là mưa ngâu”.

Ngày hai vợ chồng Ngâu gặp nhau được gọi là ngày Thất tịch. Tục nói rằng ngày đó ở trần gian không có quạ, quạ đã lên sông Ngân Hà bắc cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.

Những việc nên làm ngày Thất tịch

Các món ăn từ đậu đỏ sẽ mang lại nhiều may mắn

Ngoài giá trị về mặt dinh dưỡng dân gian tin rằng, ăn các món ăn từ đậu đỏ trong ngày lễ Thất tịch sẽ mang lại nhiều may mắn, vậy nên trong ngày Thất tịch chè đậu đỏ, cháo đậu đỏ được nhiều người lựa chọn.

Ngoài ra, người ta còn truyền tai rằng, các cặp đôi đang yêu nhau mà cùng ăn chè đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch thì tình yêu sẽ vững bền, tươi đẹp.

Chè đậu đỏ là món ăn được nhiều người lựa chọn trong ngày lễ Thất tịch. Ảnh: Ngọc Lê

Đi chùa lễ Phật để cầu duyên và bình an: Người Việt tin rằng trong ngày lễ Thất tịch, các cặp đôi nên đến chùa lễ Phật, như vậy chuyện tình yêu sẽ được hạnh phúc viên mãn.

Với những người độc thân, ngày lễ này cũng nên đi chùa để sớm tìm được ý trung nhân. Ngoài ra, ngày này đến chùa còn là dịp để cầu sức khỏe, tài lộc và bình an cho bản thân và gia đình.

Làm việc thiện để tích phúc: Lễ Thất tịch là một ngày có ý nghĩa gắn với chuyện tình yêu, vậy nên trong ngày này, mọi người nên làm nhiều việc thiện để tích phúc cho cuộc sống của mình và gia đình.

Một số kiêng cữ ngày Thất tịch

Kiêng kỵ cưới hỏi: Người ta cho rằng, tháng Bảy kiêng tổ chức đám cưới vì thời tiết mưa dầm, hay gió bão không tiện cho việc tổ chức hỷ sự.

Tuy nhiên, theo Bùi Xuân Mỹ, tác giả cuốn sách Lễ tục trong gia đình người Việt xưa và nay nguyên nhân chính khiến người ta kiêng làm lễ thành hôn vào tháng Ngâu lại từ sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ.

Người ta sợ chuyện tình Ngâu sẽ vận vào đôi vợ chồng trẻ, khiến cuộc sống hôn nhân của họ gặp phải sự ly biệt.

Kiêng khởi công xây dựng nhà cửa: Thất tịch là ngày duy nhất trong năm mà Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau, sự trùng phùng này chỉ giới hạn mà không kéo dài, vậy nên người ta sợ khởi công xây dựng nhà cửa vào ngày này thì gia đình sẽ gặp nhiều ly tán.

Ngoài ra, tháng Bảy mưa ngâu nên việc xây cất có thể ảnh hưởng tới chất lượng của công trình và mưa gió cũng có thể ảnh hưởng tới tiến độ công việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn