MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguyễn Văn Hiên và Opera Rock

ĐỖ ANH THƯ LDO | 03/05/2017 16:00
Tôi đã từng đến Bình Định nhiều lần, nơi biển vẫn còn không ít hoang sơ, quanh năm sóng tung bọt trắng xóa đập vào gành đá, tạo nên những âm thanh kỳ ảo. 

Lạ nữa, trên mảnh đất này, mỗi làng quê, thôn xóm đều rộn rã tiếng trống tuồng mê hoặc. Cũng vì lẽ thế, kể từ khi được quen thân với nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên (quê Bình Định) lại biết ông vừa làm thạc sĩ “Nhạc võ Tây Sơn” ở cái tuổi U70, thì nể quá!

Hơn ba mươi năm hoạt động âm nhạc, Nguyễn Văn Hiên đã có một sức sáng tạo đáng nể, phong phú, đa dạng, và cũng lập nhiều kỷ lục thú vị: Người giữ chức Chủ nhiệm CLB Sáng tác Trẻ Thành đoàn TPHCM lâu năm nhất (1975 - 2005); nhạc sĩ làm ca khúc từ gợi ý từ các tác phẩm văn xuôi nhiều nhất: 12 ca khúc; nhạc sĩ có số ca khúc được chọn làm bài hát chính thức trong các sự kiện lớn, hoạt động quan trọng của các phong trào thanh niên nhiều nhất: 12 ca khúc; nhạc sĩ có số tác phẩm được giải thưởng nhiều nhất: 23 tác phẩm.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên (phải) trên đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu). Ảnh: TGCC.

Trong đó, bài hát “Hành trình tuổi hai mươi” được bình chọn là một trong 10 bài hát truyền thống được thanh niên yêu thích nhất, do Thành đoàn và Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tổ chức. Tuyển tập nhạc thiếu nhi của Nguyễn Văn Hiên vừa được xuất bản gồm những ca khúc ngợi ca tình cảm của thiếu nhi đối với cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo, bạn bè cũng như tình yêu đối với quê hương, đất nước, đã trở thành bạn đồng hành thời thơ ấu của nhiều thế hệ. Với gần 150 bài hát, với những nhịp điệu đa dạng, rộn ràng, nhí nhảnh, rất đằm thắm, dịu dàng… không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của trẻ thơ hôm nay. Rất nhiều ca khúc khác nữa được in trong tuyển tập rất gần gũi không chỉ với thiếu nhi mà cả với nhiều lứa tuổi.

Bữa ngồi nhậu với Nguyễn Văn Hiên, nghe trống tuồng cuốn hút, tôi cảm thấy nghe nhiều khéo “nghiền” luôn. Nguyễn Văn Hiên giải thích, tuyệt tác của dàn “Nhạc võ Tây Sơn” không chỉ thông qua sự phối hợp tài tình giữa những đặc tính dũng mãnh, uy lực của trường phái võ thuật dân tộc, với những thuộc tính mềm mại, uyển chuyển của nghệ thuật âm nhạc dân gian, mà còn có những đặc trưng và mối giao cảm tương tác, trong đó Võ và Nhạc có mối quan hệ biện chứng: khi lấy Võ làm chủ đạo trong luyện tập thì Nhạc góp phần mang tính chất phụ họa, và ngược lại khi lấy Nhạc làm chính thì Nhạc góp phần quan trọng làm cho Võ thêm hương sắc, bớt thô cứng, đơn điệu, và càng thêm uy lực cho cả dàn “Nhạc võ Tây Sơn”.

Cũng theo Nguyễn Văn Hiên, có nhiều tên gọi khác nhau để chỉ cùng một bộ trống xuất hiện từ thời Tây Sơn: Trống võ Tây Sơn, Trống trận Tây Sơn, Trống trận Quang Trung, Nhạc võ Tây Sơn… Tên gọi Trống võ Tây Sơn xuất hiện cùng với sự hình thành của môn phái võ Tây Sơn, khi đưa ra trận lại có tên Trống trận Tây Sơn hay như sau này có người gọi là Trống trận Quang Trung. Thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung ra trận có sử dụng dàn Nhạc võ Tây Sơn: Đi đầu là bộ phận của chiêng, trống, rồi đến dàn Nhạc võ đặt trên một chiếc xe đẩy (nhạc trưởng đứng giữa, hai bên là bốn nhạc công: Đờn, kèn, chập chõa, mõ phụ họa). Do đó, Trống võ Tây Sơn, Trống trận Tây Sơn, hay Trống trận Quang Trung chỉ là một bộ trống thời Tây Sơn, không thể bao hàm ý nghĩa Nhạc võ Tây Sơn, mà chỉ là một bộ phận trong biên chế dàn Nhạc võ Tây Sơn.

Nhạc võ Tây Sơn gắn với lò võ nổi tiếng của người Việt ở Bình Định. Tương truyền loại nhạc này do ba anh em người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đặt ra cho quân khởi nghĩa luyện võ. Với một bộ trống 17 chiếc, người tập võ sẽ dùng hai tay để đánh 12 chiếc, còn lại 5 chiếc đánh bằng đầu, 2 gót chân và 2 khuỷu tay. Người tập võ đánh được 17 trống được xem là "võ thuật như thần".

Khi ra trận, Nhạc võ Tây Sơn chính là những hiệu lệnh do các vị tướng truyền đến ba quân các chiến thuật bằng phương tiện âm nhạc. Còn ngày nay, các bài bản ấy được ghép lại để thành một tác phẩm khí nhạc mang tính chất biểu diễn cho người xem thưởng lãm để nhớ với lòng biết ơn vô hạn đối với vị anh hùng áo vải đất Tây Sơn, các nghĩa sĩ trận vong và ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên đang khẩn trương viết Opera rock về vị anh hùng dân tộc này. Sẽ có cả dàn trống hoành tráng, cùng với dàn nhạc giao hưởng đồ sộ, tốc độ cao, mạnh mẽ, có cả giọng hát Opera, cả giọng Rock… đang rất thịnh hành. Khán giả chắc là mong chương trình rất đặc biệt của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên do Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TPHCM trình diễn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn