MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà văn, kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà hát các dân tộc Việt Nam cần xác định loại hình biểu diễn, đối tượng thụ hưởng

Trần Việt (thực hiện) LDO | 31/05/2023 13:27
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề xuất lấy đất phía sau Nhà hát Lớn (TP Hà Nội) để xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục “nóng” trong dư luận. Phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với nhà văn, kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý nổi tiếng với những tác phẩm văn học viết về Hà Nội.

Theo anh, việc xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam có thực sự cần thiết? Và nếu cần thiết thì vị trí khu đất sau Nhà hát Lớn có hợp lí không?

- Hiện chúng ta chưa rõ thực trạng các nhà hát và sân khấu trong các công trình đa năng đang có được sử dụng ra sao, nên việc xây thêm một sân khấu nữa chỉ có thể xác định được tính cần thiết sau khi làm rõ thông tin. Các nhà hát và sân khấu ca nhạc ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung không thể hiện được sự liên kết thông tin chương trình và khả năng phối hợp.

Đơn cử như tôi có làm một phiên bản chỉ dẫn khám phá và thưởng thức nghệ thuật ở Hà Nội, địa chỉ thì có nhiều nhưng rất khó chắc chắn nơi nào sáng đèn. Sự lãng phí đã có thể thấy ngay. Ví dụ ngay ở Hà Nội có Nhà hát Chèo khá to ở phố Kim Mã, Nhà hát Tuồng ở rạp Hồng Hà, Nhà hát Chèo Hà Nội có rạp Đại Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội có rạp Chuông Vàng... đều đã được đầu tư sửa chữa gần đây, cùng nhiều rạp phân tán. 

Tiếp đến là nội dung chương trình của nhà hát mới này sẽ phục vụ cho loại hình gì? Nếu nói tới nghệ thuật các dân tộc thì rất đa dạng, nhiều loại hình biểu diễn ngoài trời tại các lễ hội, sân khấu kiểu mở, đưa vào sân khấu hộp kiểu phương Tây đã là một vấn đề phức tạp trong sự cải biên nếu có. Chúng ta có 54 dân tộc, vậy một nhà hát như thế đáp ứng được những loại hình biểu diễn nào của tất cả các dân tộc Việt Nam? Thêm nữa là cần xác định đối tượng thụ hưởng là như thế nào, phải nhìn thẳng thực tế vào bài toán nguồn thu.

Còn về vị trí, không gian xung quanh Nhà hát Lớn đã gần như cố định chức năng của các công trình lân cận, cả về mặt quy hoạch kiến trúc thì cũng rất khó hiểu nếu muốn cấy một công trình mới vào đó. Chưa kể bài học từ việc giải tỏa những khu kiến trúc cũ cũng phức tạp và đòi hỏi một nguồn lực rất lớn, chưa kể gây xáo trộn nhân tâm là điều tối kị.

Theo quan sát của anh, mô hình nhà hát, rạp hát nào ở ta hoạt động hiệu quả nhất hiện nay?

- Tôi không phải là người đi xem thường xuyên nên đánh giá chỉ ở góc độ trải nghiệm hạn chế. Ở đây phải phân biệt giữa một sân khấu thuộc một đơn vị biểu diễn cố định và một sân khấu đa năng nhiều đơn vị thuê, bên cạnh đó các thể loại trình diễn cũng có thị trường rất khác nhau. Tôi có ấn tượng về các sân khấu kịch nói ở TPHCM trong vài lần đi xem, tuy nhiên dường như các sân khấu thể loại khác không phát huy được.

Còn ở Hà Nội, một số sân khấu có hoạt động như Nhà hát Kịch Việt Nam (ở ngay chính phía sau Nhà hát Lớn), Nhà hát Tuổi Trẻ... Đó là vài ví dụ sáng giá. Trong khi sân khấu đa năng của Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô đang tạm thời bất lợi về giao thông (quảng trường 1-5 phía trước bị quây lại cho công trường xây dựng nhà ga tàu điện ngầm nhiều năm nay) thì Nhà hát Lớn vẫn là lựa chọn đắt giá hơn cả, bên cạnh một Trung tâm Hội nghị quốc gia ở khá xa trung tâm và số ghế khó lấp đầy cho các chương trình thông thường.

Về các sân khấu âm nhạc, giới chuyên môn đánh giá cao khán phòng của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam do có chất lượng âm thanh tốt và chương trình có hàm lượng học thuật cao, thiên về nhạc cổ điển, giao hưởng thính phòng. Có lẽ việc gắn với cơ sở đào tạo và đầu ra cụ thể đã giúp không gian này đạt được hiệu quả.

Để vận hành có hiệu quả các nhà hát, rạp hát ở ta hiện nay cần những yếu tố nào, theo anh?

- Việc khán phòng của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam đạt được hiệu quả là nhờ sự gắn kết với đào tạo và xác định công chúng mục tiêu để cân đối giữa cung và cầu. Các sân khấu của các nhà hát, rạp hát có lẽ nên xác định thế mạnh đặc trưng của mình để tạo ra thương hiệu riêng, thay vì cố ôm đồm quá nhiều chức năng hoặc tệ hơn, chỉ như một loại hội trường mà thiếu các nội dung. Bản thân các nhà hát, rạp hát cũng phải phát triển thành các không gian truyền thông với trưng bày, hội thảo, các buổi giới thiệu nhập môn về thể loại biểu diễn cho công chúng quan tâm, nhất là giới trẻ. Chúng phải là những mốc không gian (landmark) của đô thị chứ không phải là những thiết chế chức năng xơ cứng của ngành văn hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn