MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch: "Mừng tuổi sách để gieo mầm tri thức cho con trẻ"

BÍCH HÀ (thực hiện) LDO | 24/01/2017 13:15
Hơn một tháng nay, Nguyễn Quang Thạch và các cộng sự của chương trình “Sách hóa nông thôn” tất bật chuẩn bị cho ý tưởng “Mừng tuổi sách” của mình. Bởi theo anh, sách là tri thức, mừng tuổi là nét đẹp văn hóa từ bao đời, tại sao thay vì mừng tuổi tiền, mọi người không mừng tuổi trẻ nhỏ bằng tri thức? 

Nghĩ là làm, Nguyễn Quang Thạch đi vận động, kêu gọi, để truyền đi thông điệp “Người lớn hãy hình thành thói quen mừng tuổi sách để gieo mầm tri thức cho con em mình”. “Mừng tuổi sách sẽ trở thành một trào lưu mới trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017” - Nguyễn Quang Thạch hy vọng.

Mừng tuổi sách, mừng tuổi tri thức!

* Từ đâu anh có ý tưởng “Mừng tuổi sách” cho trẻ nhỏ trong ngày đầu năm mới?

- Nó đến từ những lần tôi đón giao thừa trong hành trình “cõng” sách về nông thôn. Trong thời khắc thiêng liêng đó, tôi thường tặng sách cho những em nhỏ tôi gặp trên đường. Khi các em chăm chú đọc, tôi nghĩ đến phong tục mở hàng đầu năm của ông cha mình và nghĩ các em nhỏ đang mở hàng bằng tri thức.

Sau đó, tôi đã thí điểm tặng sách ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Huế, Thái Bình… trong đêm giao thừa và được nhiều người đón nhận, hưởng ứng. Năm 2017, tôi quyết định phát động phong trào Mừng tuổi sách trên quy mô quốc gia.

Nguyễn Quang Thạch (giữa) - người khởi xướng phong trào Sách hóa nông thôn kêu gọi Mừng tuổi sách trong dịp Tết Đinh Dậu - 2017.

Ảnh: T.L.

* Mục tiêu, thông điệp anh kỳ vọng thông qua chương trình này là gì?

- 10 năm trước, khi tôi làm những tủ sách đầu tiên, nhiều người bảo rồi sẽ như muối bỏ biển. 10 năm sau, hơn 12.000 tủ sách được nhân rộng trên khắp mọi miền tổ quốc. Con số đang tăng lên mỗi ngày. Năm nay, chúng tôi mừng tuổi sách để thay đổi thói quen mừng tuổi bằng tiền đã tồn tại cả trăm năm và tạo ra phong trào chia sẻ tri thức sâu rộng trong những năm tới. Thông điệp của chương trình là người lớn hãy hình thành thói quen mừng tuổi sách thay vì mừng tuổi bằng phong bao lì xì, để gieo mầm tri thức cho con em mình.

Ban đầu, tôi đưa ra con số khá tham vọng là 1 triệu cuốn sách sẽ được mừng tuổi cho trẻ em trong năm nay. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi quyết định chọn số 201.700 cuốn sách làm mục tiêu hướng đến để kêu gọi toàn xã hội chung tay. Con số này tượng trưng cho năm 2017+, năm phát triển tri thức.

Tính đến nay, sau gần một tháng phát động, cộng đồng đã hình thành nên các nhóm Mừng tuổi sách tại nhiều nơi như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… Chúng tôi sẽ không chỉ mừng tuổi sách cho người quen, mà còn cho nhiều người, các em nhỏ trong thời khắc đón giao thừa đang ở ngoài phố để tạo bất ngờ.

Sẽ đi xe lăn để vận động đọc sách!

* Ngoài Mừng tuổi sách, anh còn dự định những gì trong năm 2017?

- 2017 có thể xem là năm tôi và những người làm Sách hóa nông thôn tăng tốc để thực hiện được mục tiêu xây dựng 300.000 tủ sách, để 15 triệu trẻ em nông thôn có sách đọc. Trong những năm qua, tôi đã luôn tìm cách để thúc đẩy nhanh tiến trình tất cả lớp học có sách. Đi bộ từ Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh trong năm 2015 là một trong những nỗ lực đó. Có thể, sau khi kêu gọi chia sẻ trách nhiệm xã hội để nhân rộng tủ sách đến các tỉnh, thành, nếu kết quả không như mong đợi, năm 2017 tôi sẽ đi xe lăn xuyên Việt để vận động đọc sách, vì cột sống của tôi không cho phép tôi đi bộ nữa.

* Hiện tại, anh còn nuôi ý định trở thành một nhà văn và viết sách hay tự truyện kể về cuộc đời mình không?

- Chắc chắn tôi sẽ có những cuốn sách về hành trình Sách hóa nông thôn, về tinh thần và bổn phận công dân đối với sự phát triển của đất nước. Nếu tập hợp các bài báo tôi đã viết và trả lời phỏng vấn, thì đã đủ một cuốn sách hơn 200 trang rồi.

* Nhớ lại hành trình làm Sách hóa nông thôn từ ngày mới bắt đầu đến khi được UNESCO trao giải thưởng “Xóa mù chữ quốc tế” vào năm 2016, điều gì khiến anh nuối tiếc nhất?

- Nuối tiếc nhất là mình đã có thể bán chiếc xe máy vào năm 2004 để xây dựng những tủ sách đầu tiên, nhưng năm 2007 mình mới xây dựng 3 tủ sách đầu tiên. Để trẻ chậm sách ngày nào, thì sự phát triển xã hội chậm ngày đó.

* Suốt 20 năm qua anh và cộng sự, dù rất nỗ lực, phải hy sinh sức khỏe, thời gian, tiền bạc, cũng mới chỉ đi được 1/3 quãng đường. Đặt mục tiêu “xóa nạn đói sách cho 15 triệu trẻ em nông thôn trong năm 2017” liệu có dễ thực hiện?

- Để đạt được mục tiêu này rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, mỗi người dân, nhất là những người làm trong ngành giáo dục. Giáo viên đóng vai trò tối quan trọng trong việc thúc đẩy và khuyến khích học sinh đọc sách. Các nhà quản lý giáo dục là những người có thể kiến tạo sự đổi thay cho giáo dục trong quyền hạn của mình. Đọc là cách tự học hiệu quả nhất. Bởi vậy, học sinh phải được tạo điều kiện tiếp cận sách ở mọi nơi. Ngoài ra, các thầy cô giáo cần áp dụng phương pháp học qua hành để khai thác sách hiệu quả. Sách hóa nông thôn không thể thành công nếu thầy cô ngăn chặn học sinh đọc sách hoặc không hỗ trợ, khuyến khích các em đọc. Văn hóa đọc, chất lượng giáo dục nằm trong trái tim và trí não của thầy cô giáo và cha mẹ học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn