MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà làm phim có thể vay 200 tỉ đồng không lãi suất trong 7 năm để làm phim

ĐÔNG DU LDO | 07/04/2024 18:40

TPHCM - Ngày 7.4, trong phiên tọa đàm phát triển điện ảnh TPHCM (trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TPHCM, gọi tắt HIFF), ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) cho biết, thành phố sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp lĩnh vực điện ảnh vay tối đa 200 tỉ đồng trong 7 năm và không tính lãi suất.

Tham dự buổi tọa đàm có các sự tham dự của ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM; NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM…

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM (giữa) chụp ảnh cùng các khách mời. Ảnh: DIPY.

Lĩnh vực giàu triển vọng

Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, khi nói đến điện ảnh, không chỉ nói về tài chính, tiền bạc. Đó còn là câu chuyện về cội rễ văn hóa, mang đến những tác động kép, không chỉ góp phần phát triển văn hóa xã hội mà còn góp phần tạo dựng uy tín, tôn vinh những gì tốt đẹp của đất nước.

Được biết, TPHCM có khoảng 819 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh, trong đó, chủ yếu thuộc doanh nghiệp tư nhân với 817 cơ sở (chiếm 99,75%). Đây là xu hướng chung trong định hướng xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, nhưng thành phố chưa thu hút được sự đầu tư của các tập đoàn giải trí lớn của nước ngoài trong hợp tác phát triển thị trường điện ảnh.

Đối với cơ sở sản xuất phim, hiện nay, TPHCM có trên 100 cơ sở đăng ký và sản xuất phát hành phim, trong đó có khoảng 30 cơ sở hoạt động thường xuyên.

Tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang nắm giữ thị phần rạp chiếu tương đối lớn.

Hiện nay, TPHCM có 56 rạp (số rạp nhiều nhất cả nước), cụm rạp chiếu phim, trong đó 5 doanh nghiệp dẫn đầu và nắm giữ 98% thị phần chiếu phim Việt Nam là CGV Việt Nam, Lotte Cinema, BHD, Platinum, Galaxy.

Bà Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM (thứ 2 từ phải qua) tại tọa đàm. Ảnh: DIPY.

Thị trường điện ảnh Việt Nam đã từng bước hồi phục và có chỗ đứng, phim ra rạp hầu hết ở các rạp phim trong dịp Tết, các ngày lễ lớn.

Doanh thu ngành điện ảnh năm 2010 đạt 3.823 tỉ đồng, đến năm 2015 tăng lên 6.017 tỉ đồng; năm 2020 chỉ đạt 6.733 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu chủ yếu thuộc doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 67%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 1,2% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện ảnh nhưng doanh thu chiếm 32,63%.

Nhìn chung, doanh thu của ngành điện ảnh tăng qua các năm, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với các ngành dịch vụ giải trí khác trên địa bàn.

Trong toạ đàm, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) chia sẻ, thành phố sẽ hỗ trợ cho vay tối đa 200 tỉ đồng trong 7 năm và không tính lãi suất. Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh có thể vay nhiều hơn nếu có nhu cầu, và chỉ phải trả lãi suất nếu cao hơn con số 200 tỉ đồng. Theo ông Thanh, đây là phần hỗ trợ thiết thực cho ngành văn hóa với các thủ tục đơn giản và có bộ phận hỗ trợ chuyên trách.

14.600 tỉ đồng phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM

Để đạt các mục tiêu và khai thác có hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa, trong thời gian tới, cần có sự đầu tư từ nguồn ngân sách tạo nền tảng, hỗ trợ, tạo động lực, khuyến khích, định hướng cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa.

Tại tọa đàm, ban tổ chức cũng thông tin UBND TPHCM đã phê duyệt đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030 là hơn 14.600 tỉ đồng.

Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh, TPHCM đã ban hành chiến lược phát triển đến năm 2030. Để phát triển điện ảnh thì TPHCM là vùng đất tốt nhất. TPHCM đã ban hành nhiều chính sách chủ trương phát triển khoa học công nghệ để hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TPHCM.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn