MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tác phẩm đen trắng của Long Thành.

Nhà nhiếp ảnh Long Thành: Đen trắng cho những cảm xúc kỳ lạ

Việt Văn LDO | 28/10/2017 14:30
Ông chơi ảnh nghệ thuật đen trắng từ năm 13 tuổi và đến nay gần 50 năm làm đen trắng, vẫn chung thủy với nó, mà không “ngoại tình” với ảnh màu.
 Tên ông có trong nhiều sách, cẩm nang hướng dẫn du lịch có tiếng và nhà ông là một địa chỉ đỏ để du khách đến thăm. Nhà nhiếp ảnh Long Thành với ngôi nhà cũng là gallery ảnh nằm trên đường Hoàng Văn Thụ (Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Cũ lắm nhưng vẫn phải hỏi ông: Yêu mãi (đen trắng) không chán à?

- Làm sao chán được khi nó luôn gắn bó với mình, yêu mình và đem lại sự nghiệp cho mình.

Ngay từ hồi trẻ, khi vào buồng tối, tráng phim, phóng ảnh, đen trắng đã cho tôi những cảm xúc kỳ lạ, khó tả, hệt như người mẹ thai nghén một đứa con đúng 9 tháng 10 ngày mới ra đời. Hạnh phúc khó tả khi mình toàn quyền thui, che, đốt, chỉnh tông xám, hoặc tương phản, dùng hóa chất làm ra đúng sắc độ ảnh như đúng cảm xúc, ý muốn của mình. Đề tài u buồn, mình cho hình xám nhiều, chủ đề gay cấn, mạnh bạo, mình cho hình tương phản chút xíu, nhiều mảng đen. Đi chụp về, mình sử dụng giấy, thuốc, và hoàn toàn chủ động tạo ra những bức ảnh đen trắng.

Mắt người nhìn cuộc sống là màu. Còn trong đầu ông hẳn luôn hình dung nếu biến những màu sắc thành đen trắng thì hiệu quả sẽ như thế nào, khi đó mắt ông cũng nhìn cuộc sống là đen trắng?

- Màu sắc lúc nào cũng đập vào mắt. Nhưng khi anh chụp đen trắng thì phải biết có những sắc màu phù hợp để cho ra bức hình nhiều mật độ cao thấp khác nhau. Nhìn phải biết, cái nào chụp đen trắng đẹp. Cái nào thiên về màu quá, mình không chụp.

Đen trắng thường phi thời gian tính và tạo cảm giác trừu tượng. Ông có một đề tài vĩnh cửu nào không?

- Là cuộc sống và con người. Khoảng 15-20 năm trước, khi mình dấn thân vào công việc, cũng tham gia thi ảnh quốc tế, lấy thành tích về cho quốc gia. Nghĩ lại có nhiều cái bị hạn chế, khi luôn nghĩ phải chụp những nét văn hoá lạ ở Việt Nam mà nước ngoài không có, hoặc thiên về xử lý kỹ thuật đen trắng trong buồng tối. Sau này, mình nghĩ: Nhiếp ảnh phong phú, đa dạng, nếu bó hẹp trong những chủ đề sáng tác sẽ hạn chế cái nhìn, tư duy.

Khi đã bước qua một bước khác thì tư duy mở rộng hơn, cuộc sống có nhiều cái cho mình chụp. Mỗi buổi sáng, nhiều khi ra chợ, mình mang theo máy ảnh, và thấy rằng chả cần đi đâu xa, chỉ nội cái chợ Nha Trang đã chụp không hết ảnh, vấn đề là có nhìn, có cảm không? Sáng nay, uống càphê, thấy một khoảnh khắc một người ngồi ở vỉa hè,1 người ngồi trên xích lô, một bà bán thuốc đội nón đi ngang qua, mình thấy cuộc sống rất bình dị và chụp. Đó là nhiếp ảnh.

Xem ảnh của ông thấy nhiều bức có nhiều chi tiết phức tạp, có bức lại rất giản dị, thậm chí là tối giản về bố cục, tạo hình. Vì ông thích sự đa dạng hay tất cả tùy vào đối tượng và cảm xúc ông khi bấm máy?

- Tôi không nghĩ trước. Nhìn thấy hình ảnh có cảm xúc là chụp. Khi bấm xong về tráng phim, phóng ảnh xong mới thấy rõ ảnh đó đẹp về mảng, đẹp về bố cục, sắc độ, hay khoảnh khắc bắt được.

Tác phẩm ảnh - đứa con tinh thần nào ông yêu nhất, hay con nào cũng yêu?

- Mỗi bức hình đều có một tâm tư, trạng thái khác nhau, khi tâm trạng có chuyện gì đó, đi ra ngoài, nhìn thấy cảnh vật, con người nào đó, mình cảm thấy nó chạm vào cảm xúc mình thì bấm máy. Đúng là con nào cũng yêu, vì có yêu mới chụp. Dĩ nhiên mình chụp nhiều nhất ở Nha Trang và những vùng lân cận, vì mình gắn bó với nó nhiều và nhiều tình cảm nhất.

Theo thời gian, cái nhìn cuộc sống của ông thay đổi như thế nào?

- Giờ mình đã lớn tuổi, thân đã mệt nhưng lại càng chụp nhiều, hạnh phúc nhất là được chụp theo tự do, cái thưởng thức, cái cảm nhận của riêng mình. Mình chụp trước hết là sướng cho mình rồi chia sẻ cho anh em, bạn bè trên mạng xã hội, chính những người like, comment làm mình vui và động viên mình nhiều.

Những năm trước, ông bán ảnh rất tốt, còn vài năm gần đây việc bán ảnh hẳn là khó hơn?

- Khách nước ngoài đến nhà, xem ảnh, nhận xét ảnh và mua ảnh đã động viên mình nhiều. Có người nhìn mặt họ mình không thấy cảm xúc thì hiểu đó không phải là món ăn của họ. Còn có người mua 1 lúc 3-4 bức, có người mua xong mấy năm sau trở lại Nha Trang lại đến nhà mua tiếp vì họ cảm xúc, họ thấy cuộc sống Việt Nam phong phú mà ở nước họ không có. Còn đầu ra mấy năm gần đây có khó hơn, nhưng mà đâu chỉ ảnh mà ngành nào chả khó! (cười).

Ông lầm lũi chơi đen trắng nhiều khi hẳn thấy cô đơn và sự cô đơn có cần thiết trong nghệ thuật?

- Trước đây, nhiều người chơi đen trắng rồi dần dà mỗi ngày mai một đi. Riêng mình vẫn đồng hành với nó. Nhưng giờ đây, nhiều bạn trẻ yêu thích analog (máy chụp phim) và mình sẵn sàng chia sẻ, trao đổi, giúp đỡ anh em về kỹ thuật, nhiều khi lab tráng phim làm không tới, chất lượng hình ảnh yếu đi. Mình động viên anh em tự tráng phim, nếu chưa biết thì vào Nha Trang ở với mình vài ngày, mình chỉ cho.

Nhìn lại hành trình của đời mình, ông cho là may mắn hay vất vả?

- Mình quá may mắn. Cuộc đời con người ai cũng phải có may mắn. Mình may mắn được làm nghề, sống bằng nghề mình yêu thích. Và qua nghề có những tình bạn, được học hỏi, trao đổi để phát triển, có những chuyến đi triển lãm nước ngoài. Quan trọng nhất vẫn là luôn luôn làm việc và học hỏi. Ngừng học hỏi là chết.

- Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc ông luôn mới trong cảm hứng sáng tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn