MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà quay phim - NSND Lý Thái Dũng: Cân bằng động cho duy cảm và duy mỹ

VIỆT VĂN (thực hiện) LDO | 02/04/2017 07:00
NSND Lý Thái Dũng là tên tuổi nổi bật trong làng quay phim Việt, được ghi nhận với nhiều giải cá nhân tại giải Cánh diều, Liên hoan phim quốc gia cũng như một số giải quốc tế. Năm nay, anh làm DOP (giám đốc hình ảnh) cho 2 phim truyện điện ảnh: “Cha cõng con” (đạo diễn Lương Đình Dũng) và “Đảo ngụ cư” (đạo diễn Hồng Ánh), trong đó “Cha cõng con” là phim dự giải Cánh diều năm nay và sẽ ra rạp đầu tháng 4.

Anh từng nói thiên về duy cảm hơn duy mỹ, tuy nhiên hình ảnh của phim vẫn phải đẹp để bắt mắt khán giả. Anh đã duy trì sự cân bằng động này như thế nào trong “Cha cõng con”?

- “Cha cõng con” có cả duy cảm và duy mỹ. Người làm hình ảnh luôn phải cân nhắc lúc nào nên duy cảm, lúc nào nên duy mỹ. Nhưng ranh giới lại phụ thuộc vào tình cảm nghệ sĩ và sự đón nhận của người xem. Cùng một cảnh, có người bảo hơi đẹp, có ai đó khen quá đẹp, người thứ ba kêu vừa. Ở “Cha cõng con”, phần mở đầu tôi có đẩy tính duy mỹ lên một chút, vì nó cần thiết, liên quan tới giấc mơ cậu bé, của hai cha con trong một đời sống đặc biệt. Phần kết phim, những cảnh đó vừa đẹp vừa man mác buồn, làm lay động người xem, khi họ đã trải qua 90 phút của bộ phim.

Bản năng của người tạo hình bắt gặp hình ảnh bất thường tác động tới giác quan và họ ghi nhận hình ảnh đó, như mở đầu của ngày mới, lúc cuối ngày... Những cảm xúc thiên nhiên đó, tôi gọi là bộ sưu tập hình ảnh. Cho đến khi có một tình huống, một câu chuyện, hình mẫu thì nghệ sĩ sẽ lục lại bộ sưu tập thiên nhiên trong ký ức đó để tạo dựng cho hợp lý và cần thiết. Đó là tạo hình sinh học (sức cảm nhận nghệ sĩ) và những hình ảnh đó sẽ kích hoạt cảm xúc cho người đã từng trải qua hay chưa từng trải qua... mà vẫn có thể cảm nhận được.

3/4 phim “Cha cõng con” quay ở Hà Giang, phần khác ở Tuyên Quang, Hà Nội. Nhưng khán giả sẽ không thấy những hình ảnh đặc trưng của Hà Giang như cao nguyên đá, mà họ chỉ cảm nhận đây là một vùng núi sâu, ở miền xa, con người muốn tồn tại phải vượt qua nhiều khó khăn.

Chuyện phim mở đầu là cuộc sống bình thường của hai cha con nông dân sống bên dòng sông, như thiên nhiên, cây cỏ... Rồi họ phải di cư lên những triền núi cao hơn, sống với cộng đồng, rồi bi kịch ập đến... Con ốm, cha đưa con về thành phố, để đứa trẻ được sờ vào mây, được thấy tổ con chim sắt (máy bay)....

Trong phim có cảnh quay nào mang “thương hiệu Lý Thái Dũng” rõ rệt nhất?

- Toàn bộ các cảnh quay đều là của tôi, nó phải đẹp và mang tính cảm xúc. Đẹp bên trong và cả vẻ đẹp thuần túy thị giác. Vì câu chuyện rất hay, giản dị và tôi không dùng những thủ pháp nghệ thuật gì nhiều khi quay.

Duy có một cảnh tôi “thò mặt” (thể hiện cái tôi) là một cú máy liền cho một phân đoạn hai cha con gần đầu phim, khi cha ngồi vá lưới, và đứa con chơi với chú gà con mới mua buổi sáng, những lời thoại rất đáng yêu. Khi dựng phim, người dựng phim bên Pháp (phim còn có một dựng phim Việt Nam) băn khoăn, nhưng rồi để nguyên cú máy liền đó.

Được biết phim kinh phí rất cao (gần 18 tỉ đồng) và phải quay đi quay lại. Ở đây, góc nhìn của quay phim và đạo diễn có những điểm chưa đồng thuận?

- Chỉ một vài chi tiết nhỏ mà đạo diễn chưa hài lòng, vì liên quan tới thời tiết, khí hậu, khi lượng nước trên sông chưa đủ “ép phê”. Con số 18 tỉ không cao khi bạn tính xem đoàn phim có khoảng 100 người, nhiều ngày phải đi thuyền, vượt sông Nho Quế chảy về huyện Bắc Mê, gọi là sông Gâm, nhiều cảnh quay ở thượng nguồn lòng hồ thủy điện Na Hang... Tại đồi Minh Ngọc, Bắc Mê, bối cảnh ở độ cao gần 200 mét. Gần một tháng, ngày nào đoàn cũng phải leo lên đỉnh đồi với trung bình thời gian di chuyển 30 - 45 phút từ chân đồi.

Còn trong quá trình làm, tôi và đạo diễn rất vui, thậm chí nhiều cảnh chưa bao giờ thấy anh ấy vui như thế.

Vì sao phim phải dùng nhạc của nhạc sĩ nổi tiếng Lee Dong-jun (người đứng sau phần nhạc phim của nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng Hàn Quốc như Shiri (1999), 2009 Lost Memories (2001), Taegukgi - Cờ bay phấp phới (2004), Operation Chromite (2016)...?

- Đó là quan điểm đạo diễn. Anh ấy muốn phim đầu tay phải cộng tác với những nghệ sĩ quốc tế. Ngay vị trí quay phim của tôi cũng không phải là sự lựa chọn số 1 ban đầu, mà trước đó một số nhà quay phim quốc tế đã thử, nhưng rồi không đi đến sự đồng thuận.

Nếu đặt vị trí của một khán giả thì anh thú vị điều gì nhất ở bộ phim này?

- Câu chuyện vô cùng đơn giản, từ đứa trẻ 7 tuổi đến người lớn đều có thể xem và nhiều cá nhân có thể nhìn thấy trách nhiệm của mình trong đời sống. Nhất là ở những nơi tưởng như vô cùng bình yên thì bệnh tật vẫn có thể tấn công con người.

Một nghệ sĩ luôn trên con đường tìm kiếm chính mình, anh đang ở giai đoạn nào trên hành trình đó?

- Tôi đã tìm thấy tôi lâu rồi, và trọn vẹn ở “Chơi vơi”. Nó là sự hội tụ của tuổi tác (độ chín), ở sự phát triển của công nghệ, cho phép tôi tung hoành thể nghiệm mọi sáng tạo và ở chỗ gặp một đề tài đặc biệt về những mối quan hệ xã hội phức tạp, tưởng như bình lặng mà dữ dội. Sau “Chơi vơi” thì tôi đã sáng rõ và ngày càng thích ứng cao cho nhiều loại đề tài hơn nữa. Sự hài lòng của các đạo diễn khi cộng tác với tôi là minh chứng.

Vậy thì anh còn gì để tìm kiếm, liệu khán giả có cơ hội được xem một phim của NSND Lý Thái Dũng với vai trò đạo diễn?

- Tôi vẫn đang tìm cơ hội cho một sự cộng tác toàn cầu rộng lớn hơn. Một câu chuyện tầm cỡ, một đạo diễn có thể vươn tới giá trị toàn cầu. Còn tôi làm đạo diễn, có thể, vấn đề là phải có kịch bản hay. Một năm hướng dẫn 10 sinh viên tốt nghiệp tôi phải làm việc với biên kịch, đạo diễn, họa sĩ thiết kế mỹ thuật... Tôi phải đặt tôi vào từng vị trí, trong đó có vị trí đạo diễn để hiểu họ nhất.

Anh có nằm mơ giữa ban ngày?

- Một giấc mơ thi thoảng xảy ra, nhất là khi các lễ trao giải Cannes, Berlin, Venice và nhất là giải khổng lồ Oscar, tôi mơ một bộ phim của Việt Nam được xướng tên giành giải phim nước ngoài xuất sắc nhất. Giấc mơ đó có thể trong tầm tay. Vì các nghệ sĩ Việt Nam giỏi nắm bắt được những vấn đề của con người, cuộc sống. Việt Nam đang phát triển nên có vô vàn vấn đề. Phần còn lại là năng lực tiếp cận, sự thăng hoa, các điều kiện khác....

Anh có thể xếp thứ tự ba điều quan trọng nhất trong cuộc sống của anh?

- Sức khỏe của cơ thể và tâm hồn. Được tiếp tục làm nghề. Được đi dạy học và đi chơi.                                                                                                              

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn